Báo cáo định kỳ 6 tháng của Ngân hàng Trung ương Italy cho biết, khoảng một nửa tài sản của nước này đang thuộc sở hữu của 10% những người giàu nhất. Toàn cảnh cảng Gioia Tauro, Italia. Ảnh: AFP - TTXVN
|
Cụ thể, trong năm 2012, khoảng 10% những người giàu nhất Italy sở hữu 46,6% tổng giá trị tài sản của đất nước, tăng đáng kể so với tỷ lệ 45,7% của năm 2010.
Xu hướng này đối lập với sự nghèo đi rõ rệt ở các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở Italy. Theo thống kê, trong thời gian từ năm 2010 - 2012, tỷ lệ hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo đói ở Italy tăng từ 14% năm 2010 lên 16% năm 2012. Nếu tính theo mức thu nhập, chỉ có 10% hộ gia đình thu nhập hơn 55.000 euro/năm, 50% hộ gia đình thu nhập trên 24.500 euro/năm và 20% hộ gia đình thu nhập dưới 14.500 euro/năm, tương đương khoảng 1.200 euro/tháng. Theo Ngân hàng Trung ương Italy, suy thoái kinh tế và chính sách đánh thuế quá mức là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đình đốn kinh tế và xã hội ở Italy, tác động tiêu cực tới các chính sách kinh tế và phúc lợi xã hội.
Trong khi đó, theo số liệu điều tra năm 2013 của Hiệp hội nông dân Coldiretti về tình hình kinh tế và thu nhập của các hộ gia đình Italy, trong năm qua, cứ 3 người ở Italy thì có 2 người cắt giảm mạnh ngân sách chi tiêu do giảm thu nhập. Kết quả điều tra cho thấy, % người dân nước này từ bỏ việc mua sắm quần áo mới; 53% né tránh đi du lịch và tham gia lễ hội; 49% từ bỏ đến quán bar, câu lạc bộ và ăn uống; 35% cắt giảm các hoạt động văn hóa; 29% từ bỏ các hoạt động thể thao và tập thể dục.
Bước sang năm 2014, tình hình ở Italy được dự báo không mấy sáng sủa hơn khi có tới 51% số người được hỏi nói rằng họ không có khả năng cải thiện hầu bao, 35% cho rằng kinh tế sẽ tồi tệ và chỉ 14% tin tưởng tình hình sẽ được cải thiện. Theo ông Massimo Vivoli, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Confesercenti, hiện hàng triệu người dân Italy đang phải sống trong điều kiện bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Đây là nguyên nhân dẫn đến những quan ngại sâu sắc trong xã hội Italy hiện nay.
TTXVN/ Tin tức