Người di cư trên tàu Lifeline ngày 21/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong thông báo đưa ra ngày 29/6, ông Salvini cho biết theo thông tin mà ông tiếp nhận từ quân đội Italy và giới chức Libya, trong quá trình hoạt động, NGO đã tiếp tay hoạt động buôn người một cách có chủ đích hoặc vô thức. Ông cho biết với quyết định trên, các tàu của NGO sẽ không được phép cập cảng, kể cả tiến hành hoạt động tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, ông Salvini nhấn mạnh Italy cùng nhiều nước khác sẽ duy trì các hoạt động cứu hộ cần thiết.
Liên quan đến thỏa thuận di cư mà lãnh đạo các nước châu Âu vừa đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, ông Salvini bày tỏ vui mừng khi những đề xuất của nước này tại hội nghị đã được chấp thuận. Ông khẳng định Italy đang dần thoát khỏi sự cô lập và đóng một vai trò mới.
Cũng liên quan đến vấn đề người di cư, Chính phủ Đức ngày 29/6 thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận về người di cư với Hy Lạp và Tây Ban Nha, theo đó hai nước này sẽ tiếp nhận lại những người di cư đang đăng ký nhập cảnh tại các nước này trước khi sang Đức. Thông tin trên góp phần xoa dịu bất đồng sâu sắc trong bối cảnh nội bộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel về chính sách tị nạn mới, do Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer đề xuất, theo đó Đức không tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong EU và có dấu vân tay đã được lưu trong hệ thống Eurodac.
Vấn đề người di cư là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh EU trong 2 ngày 28 - 29/6 tại Brussels, Bỉ. Các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận về người di cư bao gồm những điều khoản về tình nguyện tiếp nhận những người di cư tại EU, cải cách hệ thống tị nạn và thành lập "các trung tâm kiểm soát" trong lòng châu Âu để xúc tiến các thủ tục tiếp nhận đăng ký tị nạn. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, còn quá sớm để đề cập đến thành công của thỏa thuận này.