Người di cư trên tàu Aquarius tại cảng Catania thuộc đảo Sicily (Italy) sau khi được cứu trên biển Địa Trung Hải ngày 21/3/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, hôm 9/6, tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Trong số này có 123 trẻ em không có người thân đi cùng và 7 phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cả Malta và Italy đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy. Tây Ban Nha sau đó tuyên bố sẽ tiếp nhận con tàu này và dự kiến Aquarius sẽ cập cảng Valencia trong ngày 17/6.
Trên tài khoản mạng xã hội Facebook, Bộ trưởng Salvini cho biết trong khi tàu Aquarius đang trên đường đến Tây Ban Nha, hai tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan vận hành hai con tàu là Lifeline và Seefuchs đã đến vùng biển ngoài khơi Libya để chờ đợi giải cứu những người di cư một khi những kẻ buôn người bỏ rơi họ. Ông tuyên bố Italy sẽ không tiếp nhận những người nhập cư trái phép này và những con tàu cứu hộ này sẽ phải tìm kiếm các cảng biển khác.
Việc Italy quyết định từ chối tiếp nhận 629 người di cư từ tàu cứu hộ Aquarius đã làm bùng phát mâu thuẫn giữa Rome và Paris khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/6 cáo buộc Italy "vô trách nhiệm". Đáp lại chỉ trích gay gắt này, một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Italy đã triệu Đại sứ Pháp tại Rome tới để phản đối. Về phần mình, Tổng thống Macron cho rằng ông không nói bất kỳ điều gì có ý xúc phạm Italy hoặc người dân quốc gia Địa Trung Hải này.
Trong cuộc họp hôm 15/6 ở Paris, Tổng thống Macron và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã nhất trí rằng Liên minh châu Âu (EU) cần thành lập các trung tâm giải quyết các đơn xin tị nạn đặt tại các nước có người dân muốn tới di cư tới châu Âu, vốn là đề xuất được Tổng thống Pháp ủng hộ. Cũng tại cuộc họp này, lãnh đao Pháp và Italy cũng kêu gọi EU thay đổi các quy định xin tị nạn vốn đang đẩy khiến các quốc gia cửa ngõ như Hy Lạp và Italy bị quá tải vì làn sóng người di cư trái phép.