Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, báo cáo của ISS và Bộ Y tế Italy cho thấy đa số những người được tiêm các loại vaccine mRNA, hiệu quả chống lại nguy cơ lây nhiễm 7 tháng sau khi được tiêm mũi thứ hai là 89%, trong khi hiệu quả bảo vệ khỏi tình trạng nhập viện và tử vong sau 6 tháng lần lượt là 96% và 99%. Báo cáo xem xét dữ liệu tính đến ngày 29/8 của hơn 29 triệu người dân Italy đã tiêm đủ liều vaccine mRNA như các loại vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất.
Theo báo cáo của ISS, với những người suy giảm miễn dịch, khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm giảm từ 28 ngày sau khi được tiêm mũi thứ 2, với mức giảm không giống nhau tùy theo bệnh khiến hệ miễn dịch suy giảm. Ở những người mắc đồng thời nhiều loại bệnh nhưng không bị suy giảm miễn dịch, mức độ bảo vệ khỏi lây nhiễm giảm từ 75% trong 28 ngày sau mũi tiêm thứ hai xuống 52% sau khoảng 7 tháng. ISS cho biết hiệu quả của vaccine ở những người trên 80 tuổi và những người ở viện dưỡng lão cũng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 80%.
Những phát hiện này của Italy khác với kết quả một nghiên cứu do Pfizer thực hiện và công bố trên tạp chí y khoa Lancet ngày 4/10, cho thấy hiệu quả vaccine của Pfizer/BioNTech trong việc ngăn ngừa lây nhiễm sau 6 tháng đã giảm xuống 47%, so với mức 88% sau khi được tiêm mũi thứ 2. Nghiên cứu của ISS không đề cập đến nghiên cứu được công bố trên Lancet, do nghiên cứu của Pfizer chỉ tập trung vào hồ sơ sức khỏe điện tử của 3,4 triệu người tại Mỹ, nhưng không bao gồm dữ liệu về việc tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch như đeo khẩu trang. Tại Italy, mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang trong nhà và phải đeo khẩu trang ở cả ngoài trời trước tháng 7/2021, cũng như phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt, điều có thể ảnh hưởng đến kết quả báo cáo.
Các báo cáo của ISS là một trong những tài liệu mà Chính phủ Italy dựa vào để đưa ra các quyết định y tế của mình. Trong những tuần tới, Italy sẽ phải xem xét liệu có nên mở rộng mũi vaccine tăng cường cho toàn dân hay không. Từ ngày 20/9 đến nay, Italy chỉ cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba cho các bệnh nhân suy giảm miễn dịch, những người trên 80 tuổi, cư dân và nhân viên các viện dưỡng lão và nhân viên y tế trên 60 tuổi hoặc có bệnh kinh niên hay các yếu tố khác dẫn đến tăng khả năng lây nhiễm COVID-19.
Ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến nghị nên tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho những người có hệ thống miễn dịch yếu, nhưng để các quốc gia thành viên tự quyết định việc mở rộng đối tượng được tiêm mũi tăng cường.
Tuy nhiên, cùng ngày, sau khi có báo cáo về các tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra, Đan Mạch và Thụy Điển đã tạm ngừng sử dụng vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA của Moderna.
Trong thông báo, Thụy Điển cho biết sẽ ngừng tiêm vaccine của Moderna đối với những người sinh sau năm 1991 sau khi dữ liệu cho thấy tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim gia tăng ở những thanh niên đã được tiêm phòng. Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng đối với vaccine Spikevax của Moderna, đặc biệt là sau mũi tiêm thứ 2.
Trong khi đó, nhà chức trách Đan Mạch thông báo tất cả những người dưới 18 tuổi sẽ không được tiêm vaccine của Moderna. Những người đã tiêm mũi 1 vaccine của Moderna sẽ không tiêm mũi thứ 2 bằng vaccine này.
Người phát ngôn của Moderna cho biết công ty này đã biết thông tin nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch quyết định tạm dừng tiêm vaccine của hãng này cho thanh niên nguy cơ hiếm gặp của viêm cơ tim và hoặc viêm màng ngoài tim. Tuyên bố nêu rõ những người bị tác dụng phụ thường nhẹ và có xu hướng phục hồi trong một thời gian ngắn sau khi được điều trị và nghỉ ngơi.
Đầu tuần này, chính quyền Thụy Điển thông báo chỉ tiêm vaccine của Pfizer cho những người từ 12 đến 15 tuổi.