Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trước đó, Italy hôm 4/3 đã ngăn chặn Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (Anh) xuất lô hàng gồm 250.000 liều vaccine ngừa COVID-19 sang Australia sau khi tập đoàn này không đáp ứng những cam kết theo hợp đồng.
Phát biểu tại buổi họp báo ở Rome sau cuộc gặp người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Di Maio nhấn mạnh động thái chặn xuất khẩu vaccine nói trên của Italy không nên được coi là một hành động chống lại Australia. Đáng chú ý, ông Di Maio còn tuyên bố Italy sẽ tiếp tục ngăn chặn hoạt động xuất khẩu vaccine từ Liên minh châu Âu (EU) khi tình trạng trì hoãn vẫn còn xảy ra trong chuỗi cung ứng.
Trong thông cáo được đưa ra sau khi ra lệnh cấm xuất khẩu 250.000 liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca, Bộ Ngoại giao Italy lý giải quyết định này được đưa ra “do việc thiếu hụt vaccine thường xuyên tại Italy và EU, sự chậm trễ của hãng dược AstraZeneca trong việc giao hàng cho Italy và EU cũng như số lượng lớn liều vaccine mà hãng này muốn xuất khẩu”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Italy cũng cho biết “Australia không được coi là quốc gia đang gặp nhiều khó khăn”.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia trong EU sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vaccine do Ủy ban châu Âu đưa ra hồi đầu năm nay nhằm cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong lãnh thổ EU. Cơ chế cấm này chủ yếu nhằm vào hãng dược phẩm AstraZeneca bởi thời gian qua EU và hãng dược phẩm này đã có những tranh cãi gay gắt khi AstraZeneca cho biết chỉ có thể cung cấp được 40 triệu liều vaccine cho EU trong quý I/2021, dù trước đó đã cam kết sẽ cung cấp 120 triệu liều.
Tại EU, AstraZeneca có các cơ sở sản xuất vaccine đặt tại Hà Lan, Bỉ, Đức và Italy. Đối với Italy, số liều vaccine mà hãng này cung cấp ít hơn khoảng 15% so với cam kết ban đầu.
* Ngày 5/3, Bộ Y tế Ecuador thông báo nước này sẽ cho phép các thành phố trực tiếp mua vaccine ngừa COVID-19 miễn là các địa phương này phải tuân thủ các yêu cầu trong kế hoạch tiêm chủng của chính quyền trung ương.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các thành phố lớn nhất nước gồm Guayaquil, Quito và Cuenca đã kiến nghị Tổng thống Lenin Moreno cho phép các địa phương này nhập khẩu vaccine do tiến độ chậm chạp trong chương trình tiêm chủng của chính phủ. Bộ Y tế cho biết các thành phố muốn tự nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 phải đàm phán trực tiếp và "không qua trung gian" với nhà cung cấp, cũng như phải đảm bảo phân phối vaccine miễn phí cho người dân.
Trước đó, chính phủ cho biết sẽ ưu tiên chủng ngừa các mũi vaccine đầu tiên của hãng Pfizer (Mỹ) cho khoảng 53.000 người, cụ thể là các nhân viên y tế tại các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và người cao tuổi tại các viện dưỡng lão.
Chính phủ Ecuador cũng đã đàm phán để mua khoảng 20 triệu liều vaccine của các hãng Pfizer, AstraZeneca (Anh), Sinovac (Trung Quốc) và thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới đứng đầu nhằm chủng ngừa miễn phí cho 60% dân số nước này.