Kazakhstan "tai bay vạ gió" từ khủng hoảng Kyrgyzstan

Với đầu đề trên, Báo Độc lập (Nga) cuối tuần qua nhận định việc Kyrgyzstan gia nhập Liên minh Hải quan có thể bị hoãn lại vô thời hạn.

Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev hôm 26/3 đã đến thăm cố đô Almaty, theo lời mời của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Chuyến thăm này của ông Atambayev là hoàn toàn phù hợp với tiến trình chuẩn bị ký Hiệp ước thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu (EAC) và việc tiếp nhận Kyrgyzstan vào Liên minh Hải quan (TS) vào dịp tháng 5 tới.

Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev (trái) thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Nursultan Nazarbayev về tình hình trong khu vực. Ảnh: Trang web chính thức của Tổng thống Kyrgyzstan


Cuộc gặp cũng diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang cố gắng chạy đua với thời gian để nhanh chóng giành giật từ Nga các đối tác tiềm năng của EAC và TS, giống như trong câu chuyện với Ukraina và Moldova. Như một lẽ tất nhiên, Nga cũng quyết tâm không để mất đi các đối tác này. Và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cũng đang nỗ lực với các bước đi nhằm ủng hộ và củng cố các liên minh ủng hộ Nga.

Trong khi đó, nghi ngại lớn nhất có thể gây ảnh hưởng đến tiến trình Kyrgyzstan gia nhập TS chính là các yếu tố bất ổn chính trị ở nước này. Cụ thể, phe đối lập Kyrgyzstan dự định tổ chức một cuộc míttinh lớn vào ngày 31/3 với một loạt vấn đề chính trị và kinh tế-xã hội cấp bách, đòi hỏi chính quyền phải giải đáp. Rõ ràng, hôm nay không ai có thể phán đoán được cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể dẫn đến điều gì tại một nước mà chỉ mới đây liên minh cầm quyền trong Quốc hội đã phải giải tán, dẫn đến sự từ chức của chính phủ. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ mới có nhận về mình trách nhiệm thực hiện các cam kết của nội các trước đó hay không, không chỉ trong "lộ trình" Kyrgyzstan gia nhập Liên minh Hải quan, mà còn cả những thỏa thuận song phương đã ký giữa Kazakhstan và Kyrgyzstan. Không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc đàm phán song phương với người đồng nhiệm Atambayev, Tổng thống nước chủ nhà Nazarbayev đã phải nhấn mạnh rằng: "Kể từ khi quốc gia này tách ra độc lập đến nay, Kazakhstan đã đầu tư vào nền kinh tế Kyrgyzstan hơn một tỷ USD". Và tiếp đó, ông Nazarbayev lại nhắc nhớ rằng "phía trước vẫn còn rất nhiều công việc" và câu hỏi duy nhất lúc này ông muốn biết chính là có thể tiếp tục đàm phán với vị lãnh đạo nào của Kyrgyzstan?

Ngoài ra, mặc dù trên thực tế Kyrgyzstan không nằm trong danh sách các đối tác thương mại chính của Kazakhstan, song  Kazakhstan đã cùng với Tajikistan thiết lập một quỹ đầu tư chung với Kyrgyzstan. Chính điều này giờ đây cũng đang khiến không chỉ giới chức Kazakhstan, mà cả các doanh nghiệp nước này đều lâm cảnh đứng ngồi không yên với những biến động chính trị ở Kyrgyzstan.

Có thể thấy rõ trong khuôn khổ chuyến thăm này, vấn đề Kyrgyzstan gia nhập TS đã trở thành chủ đề thảo luận trọng tâm của giới lãnh đạo hai nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tâm trạng chống TS đang gia tăng trong xã hội Kyrgyzstan. Đầu năm vừa qua, tại thủ đô Bishkek còn xuất hiện phong trào thu thập chữ ký của người dân phản đối ý định của giới chức nước này muốn gia nhập TS.

Tờ báo nhấn mạnh "Vấn đề 'chống TS' ở Kyrgyzstan không chỉ làm đau đầu Astana, mà cả Moskva cũng lo ngại, mặc dù Moskva không quan tâm đến việc thay đổi cán cân quyền lực tại Kyrgyzstan". Hồi tháng Hai vừa qua, trong cuộc gặp ông Atambayev tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề cập triển vọng Kyrgyzstan gia nhập TS. Bishkek cho rằng giai đoạn chuyển tiếp đủ để nước này có thể sẵn sàng gia nhập Liên minh Hải quan là khoảng ba năm. Tuy nhiên, trên thực tế quãng thời gian này là quá dài, nhất là đối với một đất nước như Kyrgyzstan, bởi không mấy ai có thể tin tưởng rằng trong ba năm ấy, nước này lại không xảy ra sự kiện nào đó dẫn đến sự thay đổi quyền lực trong nước.

Lúc này các nhà quan sát quốc tế đang dõi theo tình hình Kyrgyzstan, nhất là khi Chính phủ mới ở nước này có thể được thành lập trong tháng tới. Người ta chờ xem nội các mới có tiếp nhận và tiếp tục thực hiện "lộ trình" gia nhập TS vốn đã được nội các trước thông qua hay không. Người ta cũng hy vọng, dù ít dù nhiều, Kazakhstan- tuy không chính thức nhưng vẫn được coi như một quốc gia đầu tàu lãnh đạo khu vực Trung Á, có thể có được tác động tích cực nào đó tới ban lãnh đạo mới của Kyrgyzstan.

Bài viết kết luận dù chưa biết ứng xử của Kyrgyzstan sẽ ra sao, song lúc này nhìn việc Kazakhstan phải quan tâm thúc đẩy các tiến trình ở Kyrgyzstan, có thể thấy Kazakhstan đang gặp cảnh "tai bay vạ gió" trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Kyrgyzstan. Hy vọng hơn 1 tỷ USD Astana đầu tư ở Bishkek sẽ không bị bốc hơi cùng với những thay đổi quyền lực trong nội bộ Kyrgyzstan.


Quế Anh

Tổng thống Kyrgyzstan chấp nhận cho chính phủ từ chức
Tổng thống Kyrgyzstan chấp nhận cho chính phủ từ chức

Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev đã chấp nhận sự từ chức của chính phủ do Thủ tướng Jantoro Satybaldiyev đứng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN