Diễn biến này nhiều khả năng dẫn tới một cuộc chiến ngân sách giữa giới lập pháp với Nhà Trắng.
Hạ nghị sỹ Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Eliot Engel cho rằng đề xuất của Tổng thống Trump sẽ “chết yểu” ngay khi được trình lên Quốc hội. Ông nhấn mạnh kế hoạch này báo hiệu rằng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump đang ngày càng trở nên "tách biệt" với phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Tiểu ban Giám sát ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Hal Rogers, mô tả kế hoạch ngân sách của Tổng thống Trump là không tương xứng để có thể bao trùm chính sách đối ngoại và các mục tiêu an ninh của chính quyền hiện tại. Ông nhấn mạnh căn cứ vào tình hình thế giới hiện nay, cách thức tiếp cận này dường như "xa rời thực tế", cho rằng cần Washington cần đề cao vai trò lãnh đạo của mình trong một thế giới bất ổn, ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn và quan hệ quốc tế căng thẳng.
Bà Nita Lowey, nghị sỹ của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện, cũng phản đối kế hoạch ngân sách "tiết kiệm" này. Bà tỏ ý ngạc nhiên khi Tổng thống Trump vẫn không đánh giá đúng vai trò của đầu tư tiền bạc trong hoạt động đối ngoại và phát triển dù đã nhậm chức được 3 năm. Hạ nghị sĩ Dân chủ Lois Frankel nhận định đề xuất ngân sách của ông Trump là "nguy hiểm và đáng hổ thẹn".
Trong những bình luận trước cuộc điều trần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng ủng hộ kế hoạch ngân sách đối ngoại của Tổng thống Trump, cho rằng việc tăng gấp đôi ngân sách dành cho quốc phòng là thiết thực trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và củng cố các hệ thống để đối phó với những mối đe dọa nhằm vào Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung.
Trước đó, Tổng thống Trump đã đề xuất cắt khoảng 11 tỷ USD trong ngân sách hoạt động dành cho ngoại giao và viện trợ nước ngoài, xuống còn 40 tỷ USD. Kế hoạch này, theo ông Trump, là nhằm tăng cường năng lực quốc phòng và san sẻ chi phí xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
Dưới thời các chính phủ tiền nhiệm, trung bình mỗi năm Mỹ chi tiêu hơn 50 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), chiếm khoảng 1% tổng ngân sách liên bang. Tuy nhiên, sau khi chính thức điều hành đất nước từ tháng 1/2017, Tổng thống Trump cho rằng mức chi này là quá cao và cần điều chỉnh giảm để phần nào bù đắp cho phần tăng chi quốc phòng. Giới lập pháp lo ngại những điều chỉnh này sẽ đe dọa các lợi ích của Mỹ, trong đó có an ninh quốc gia, khi rút lui khỏi các vấn đề quốc tế.