Theo phân tích, năm nay, Seoul đã đề xuất tăng 13% khoản đóng góp của Hàn Quốc trong chi phí đồn trú lực lượng quân sự Mỹ tại nước này so với mức 1.036,9 tỷ won (913,9 triệu USD) năm ngoái. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối đề nghị của Seoul khiến đàm phán song phương về vấn đề này rơi vào bế tắc. Ban đầu, Tổng thống Trump yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần khoản đóng góp này, do đó nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục gây áp lực với Seoul.
Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden cũng yêu cầu Hàn Quốc tăng khoản đóng góp song mềm mỏng hơn, trên tinh thần nhanh chóng đạt được thỏa thuận chung và không gây tổn hại mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.
Ngoài ra, nếu ông Trump đắc cử, Washington nhiều khả năng sẽ dùng "quân bài" cắt giảm quân số Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để gây áp lực gia tăng khoản đóng góp, như cách đã áp dụng đối với quân Mỹ đồn trú tại Đức. Do đó, các chuyên gia đánh giá nếu ông Joe Biden trở thành tân Tổng thống Mỹ, việc cắt giảm lực lượng Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc sẽ ít có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, nếu ông Joe Biden đắc cử, việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến mà Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với chính quyền Trump. Các chuyên gia cho rằng ông Biden có thể sẽ yêu cầu kiểm tra chi tiết, từ khâu thảo luận về điều kiện chuyển giao đến công tác kiểm chứng chi tiết.