Kêu gọi giải quyết khủng hoảng ở khu vực đồng euro

Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn là chủ đề chính tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 42 (WEF-42), gọi tắt là Diễn đàn Davos 2012. Phát biểu trước Diễn đàn ngày 28/1, cả Bộ trưởng Tài chính Anh và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều cho rằng việc khôi phục lại sự ổn định khu vực đồng euro vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu.



Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 42 tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN



Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, cho rằng không quốc gia nào tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng này. Bà nói: "Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro. Đây là cuộc khủng hoảng có những tác động lớn và lan tỏa trên toàn thế giới. Mọi người đều có lợi khi cuộc khủng hoảng này được giải quyết”.

Cùng góp mặt với bà Lagarde trong Hội đồng Tư vấn của WEF xem xét triển vọng kinh tế toàn cầu còn có ông Tăng Âm Quyền, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công - Trung Quốc. Ông Tăng Âm Quyền cho biết trong 40 năm qua, chưa bao giờ ông chứng kiến một cuộc khủng hoảng nào nghiêm trọng như hiện nay.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro, trong đó có việc huy động các nguồn lưc tài chính và tìm cách giảm nợ. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Ông nói: “Thực tế vào thời điểm đầu năm 2012, chúng ta vẫn phải nói về Hy Lạp một lần nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng vẫn chưa giải quyết xong và điều này sẽ rất nguy hiểm. Nói cách khác, nếu không giải quyết các vấn đề cụ thể một cách triệt để thì nó sẽ gây ra những cú sốc đối với toàn bộ nền kinh tế châu Âu và nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng thoả thuận đem lại sự ổn định hơn cho Hy Lạp sẽ là nền tảng đem lại sự ổn định cho khu vực đồng euro”.

Trong khi đó, trong bức thông điệp được truyền hình trực tiếp tới Diễn đàn Davos năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu tiềm ẩn rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Ông kêu gọi các nước trong khu vực đồng euro thực hiện các biện pháp để giảm bớt mối lo ngại của cộng đồng quốc tế, cũng như trấn an thị trường.

TTXVN/Tin Tức
Triển vọng kinh tế thế giới 2012: Chưa lấy lại được cân bằng
Triển vọng kinh tế thế giới 2012: Chưa lấy lại được cân bằng

Hơn 3 năm kể từ khi sa chân vào khủng hoảng, nền kinh tế thế giới bước sang năm 2012 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức to lớn bao gồm tốc độ tăng trưởng chậm lại, nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính gia tăng, tình trạng thoái vốn đầu tư vẫn phổ biến...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN