Tại Mỹ, giới đầu tư đang mất dần lòng tin về việc chính phủ nước này không đưa ra được một kế hoạch kiểm soát ngân sách trung hạn đủ thuyết phục, trong khi nền kinh tế tiếp tục trì trệ. Kinh tế châu Âu vẫn phải vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đang ngày càng lan rộng, với hậu quả là nguồn tín dụng cần thiết cho tăng trưởng có nguy cơ khan hiếm. Sự yếu kém ở hai khu vực kinh tế lớn này tác động không nhỏ tới nhóm nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, khiến tốc độ tăng trưởng của nhóm này chậm lại, nhất là các nền kinh tế lớn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, kinh tế châu Á sẽ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2012, với tốc độ tăng trưởng bền vững hơn. Nhật Bản sẽ vươn dậy từ cú sốc thảm họa động đất kèm sóng thần. Các nền kinh tế Đông Âu hồi phục khá nhờ giá hàng hóa vẫn cao. Triển vọng ở Nam Mỹ cũng khả quan hơn. Trung Đông và Bắc Phi tuy bị ảnh hưởng bởi bất ổn xã hội, song kinh tế vẫn được hưởng lợi từ giá dầu thô cao và sản lượng tăng vững.
Mỹ: Tiếp tục trì trệ
Với những rủi ro gia tăng đáng kể, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khá vất vả để duy trì tốc độ hồi phục và tránh suy thoái trở lại. Trong năm qua, kinh tế Mỹ đã mất đà sau khi tốc độ tăng GDP giảm xuống còn 1% trong 6 tháng đầu năm 2011, so với 2,75% trong 6 tháng trước đó. Tốc độ suy giảm GDP dự báo cho năm 2012 còn lớn hơn so với dự báo trước. Thứ nhất, thảm họa động đất tại Nhật Bản đã làm gián đoạn nguồn cung thiết bị của các hãng sản xuất ô tô và giá dầu tăng cao tác động mạnh tới tiêu dùng trong nước. Thứ hai, lòng tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp bị suy giảm nặng nề và các thị trường ngày càng diễn biến bất ổn trước những lo ngại về kinh tế trì trệ, việc Mỹ bị đánh tụt hạng tín dụng nợ công và cuộc khủng hoảng gia tăng ở Eurozone.
Tốc độ tăng GDP của Mỹ được ước tính khoảng 1,5% cho năm 2011 và dự báo 1,8% cho năm 2012, dựa trên giả định những tác động bất lợi của trận sóng thần Nhật Bản và giá dầu thô sẽ dịu xuống; và các chính sách giảm thuế thu nhập và tăng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được duy trì. Các chính sách này nếu bị dừng lại đột ngột sẽ gây ra những hậu quả tai hại. Nguy hiểm hơn, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục chậm trễ trong việc đưa ra một kế hoạch tái cân bằng ngân sách trung hạn, chi phí vay mượn sẽ càng tăng lên và có thể gây ra những hệ lụy lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, sự sứt mẻ lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ khó có thể vãn hồi một khi thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường nhà đất đóng băng và sức ép phải giảm đầu tư bằng đòn bẩy tài chính. Điều này đồng nghĩa với khả năng tốc độ tăng trưởng trung bình sẽ còn khiêm tốn trong nhiều năm nữa. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đã vượt 9% trong năm 2011, sẽ tiếp tục cao trong năm nay. Tuy nhiên, lạm phát sẽ giảm xuống còn 1,25%, so với 3% của năm 2011, nhờ chỉ số chênh lệch sản lượng (ouput gap) của Mỹ đang âm rất lớn và giá hàng hóa thế giới cũng có xu hướng dịu xuống.
Châu Âu: Vất vả đối phó khủng hoảng
Châu Âu, nhất là Khu vực đồng euro (Eurozone), sẽ tiếp tục vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đã và đang khiến thị trường náo loạn và đẩy nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính lên cao. Nhu cầu cứu trợ tín dụng không chỉ dừng lại ở mắt xích yếu nhất là Hy Lạp, mà đã lăm le sang các thành viên khỏe hơn như Italia, Tây Ban Nha và thậm chí cả Pháp, Đức. Nếu khủng hoảng lan tới các thành viên chủ chốt này của Eurozone, nguy cơ bất ổn của nền kinh tế toàn cầu là hiện hữu. Do có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế và tài chính, khủng hoảng ở Eurozone sẽ kéo theo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Âu, đồng thời nhấn chìm lòng tin trên thị trường ở các châu lục khác.
Thâm hụt ngân sách và nợ công cao, sản lượng tiềm năng giảm và thị trường bất ổn đang đè nặng lên hầu hết các nền kinh tế phát triển trong khu vực. Các yếu tố này sẽ làm cán cân cơ hội - rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế nghiêng về vế thứ hai. Tác động tiêu cực của các yếu tố mang tính tạm thời, như giá năng lượng cao và động đất tại Nhật Bản, cho dù giảm dần cũng không thể bù lại những hậu quả của cú sốc khủng hoảng đồng euro. Cách thức xử lý khủng hoảng của các nhà lãnh đạo Eurozone và EU sắp tới sẽ quyết định tương lai trước mắt của khu vực này. Nghiêm túc và nhất quán với các cam kết không để xảy ra tắc nghẽn tín dụng và buộc các thành viên kiểm soát nợ công, EU sẽ lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư.
Tốc độ tăng GDP thực của Eurozone ước tính chỉ đạt 0,25% trong nửa cuối năm 2011, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm. Giả sử các nhà lãnh đạo EU nghiêm túc thực hiện các cam kết xử lý khủng hoảng đưa ra tại các cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, tốc độ tăng GDP của khu vực này dự báo sẽ khá hơn ở mức trên 1% cho cả năm 2012. Lạm phát đối với các nền kinh tế châu Âu sẽ được kiểm soát do giá cả hàng hóa tiếp tục đi xuống. Lạm phát của Eurozone sẽ giảm xuống còn 1,5% trong năm 2012, so với 2,5% trong năm 2011. Với các nền kinh tế Đông Âu, lạm phát cũng được dự báo giảm từ 5,25% xuống còn 4,5% trong năm 2012.
Ủy ban châu Âu mới đây cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng của khu vực này xuống còn 0,5% trong năm 2012. “Trì trệ” sẽ là tình trạng chung của các nền kinh tế trong khu vực, do tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều èo uột. Một số thành viên thậm chí bị cảnh báo sẽ tăng trưởng âm. Thất nghiệp sẽ ở mức cao 9,5% trong vài năm tới. So với hồi đầu năm, khi dự báo tăng trưởng GDP khu vực là 1,8% trong năm 2012, dự báo mới nhất của EU cho thấy một tâm trạng bi quan đáng kể sau những lúng túng của các nhà lãnh đạo khu vực trong xử lý khủng hoảng.
Châu Á: Tăng trưởng cân bằng hơn
Những gì châu Á thể hiện trong năm qua tiếp tục khiến các khu vực khác ghen tị. Tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, bất chấp cú sốc động đất Nhật Bản và những biến động bất lợi ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế khu vực, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Với giả thiết sẽ không có các cú sốc lớn (chẳng hạn khủng hoảng nợ công châu Âu vượt ngoài tầm kiểm soát), tăng trưởng kinh tế châu Á nói chung sẽ được duy trì và ngày càng vững chắc, cho dù với tốc độ giảm dần.
Tuy vậy, nhịp độ tăng trưởng ở châu Á sẽ không đồng đều đối với mọi thành viên. Là nền kinh tế phát triển nhất khu vực, Nhật Bản sẽ tăng tốc với GDP dự đoán tăng 2,15% trong năm 2012, sau khi ước giảm 0,5% trong năm 2011, chủ yếu nhờ vào hoạt động tái xây dựng cơ sở hạ tầng sôi động sau thảm họa động đất, sóng thần. Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại còn 9%, vẫn cao nhất nhì khu vực, do nước này sẽ phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong khi xuất khẩu giảm sút. Đầu tư nói chung vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sức ép lạm phát cũng hạ nhiệt nhờ các nỗ lực hạn chế tăng trưởng tín dụng, song vẫn là một nguy cơ.
Tốc độ tăng trưởng của các “con hổ” châu Á như Hàn Quốc, Xinhgapo, Đài Loan (Trung Quốc)… dự kiến sẽ giảm mạnh từ 8,4% năm 2010 xuống còn 4,5% năm 2012 do sản lượng thực tế đã cao so với tiềm năng. GDP của nhóm 5 thành viên hàng đầu ASEAN gồm Inđônêxia, Thái Lan, Malaixia, Philíppin và Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 5,6%, tăng nhẹ so với năm 2011, nhờ khai thác được thị trường nội địa để bù đắp phần nào sự trì trệ của xuất khẩu tới các thị trường Âu Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu các loại hàng hóa như nông sản sẽ không còn đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP do giá cả giảm xuống.
Lạm phát chung của khu vực sẽ dịu xuống còn khoảng 4% nếu không có đột biến trên các thị trường thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát tăng cao sẽ xuất hiện ở các nền kinh tế tiếp tục duy trì chính sách tăng trưởng tín dụng và kích thích cầu tăng trưởng. Đối với các nước còn lại, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt hơn. Nhờ một loạt chính sách kiềm chế, thị trường bất động sản sẽ hạ nhiệt ở nhiều nước, nhưng lại tiếp tục tăng ở Trung Quốc và các “con hổ” của khu vực.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)