Phát biểu với báo giới tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 19/12, đặc phái viên Mỹ về chính sách đối với Triều Tiên, ông Stephen Biegun nhấn mạnh Washington sẽ xem xét lại lệnh cấm đối với các chuyến thăm của các nhóm viện trợ tư nhân và tôn giáo tới Triều Tiên.
Ông khẳng định Mỹ luôn ưu tiên đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân nước này trong bối cảnh Washington cũng đang xem xét những kiến nghị về việc thực hiện các chuyến đi viện trợ nhân đạo.
Theo quan chức Mỹ, Washington hy vọng rằng các tổ chức viện trợ nhân đạo sẽ được tạo điều kiện để giám sát hoạt động của mình tại Triều Tiên. Đặc phái viên Biegun cho biết sẽ có cuộc gặp các nhóm viện trợ của Mỹ vào đầu năm tới để thảo luận cách thức nhằm đảm bảo tốt hơn hoạt động vận chuyển các hàng viện trợ hợp lý.
Phát biểu của ông Biegun được xem là một thông điệp được chuẩn bị kỹ lưỡng gửi tới Triều Tiên, như một phần các nỗ lực nhằm đạt được sự thỏa hiệp giữa một bên là các đề nghị của Bình Nhưỡng về dỡ bỏ trừng phạt với một bên là Washington kiên quyết duy trì trừng phạt cho tới khi Triều Tiên tiến hành thêm nhiều biện pháp phi hạt nhân hóa.
Hiện vẫn chưa rõ cách thức Mỹ hiện thực hóa đề xuất trên, song ý kiến này được nhìn nhận tương đồng với cách tiếp cận mà cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Moon Chung-in, đưa ra hồi đầu tháng này.
Theo ông, nới lỏng những hạn chế viện trợ nhân đạo có thể phát đi tín hiệu tích cực tới Triều Tiên. Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm thúc đẩy cuộc đối thoại hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Điều này được thể hiện bằng việc Tổng thống Moon Jae-in cho hay những "phần thưởng" để Triều Tiên tiến hành các bước phi hạt nhân hóa tiếp theo có thể bao gồm việc trì hoãn hoặc giảm số lượng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, tăng viện trợ nhân đạo hoặc tăng cường giao lưu thể thao, văn hóa.
Ông Shin Beom-chul, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan, nhận định việc Mỹ thay đổi lập trường trong vấn đề viện trợ nhân đạo là nhằm nỗ lực kéo Triều Tiên tham gia đối thoại. Tuy nhiên, cần chờ xem liệu điều này sẽ tác động tích cực thế nào tới đối thoại với Bình Nhưỡng.
Đề xuất của ông Biegun được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng tỏ thái độ thất vọng và nhiều lần chỉ trích Mỹ từ chối nới lỏng trừng phạt. Một viện nghiên cứu có quan hệ với Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo nếu Washington duy trì trừng phạt, Bình Nhưỡng sẽ “ngăn chặn mãi mãi con đường phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”.
Giám đốc nghiên cứu chính sách thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhận xét hiện nay, cộng đồng quốc tế đều hoan nghênh các bước đi phi hạt nhân hóa tích cực do Triều Tiên tiến hành và kêu gọi Mỹ phản ứng phù hợp với các bước đi này.
Theo một báo cáo của LHQ, Triều Tiên cần khoản viện trợ nhân đạo ước tính là 111 triệu USD trong năm 2019. Ngân sách cho viện trợ nhân đạo Triều Tiên đã giảm từ 400 triệu USD hồi năm 2004 xuống còn 26,2 triệu USD tính tới tháng 11 năm nay.
Quan hệ Mỹ-Triều đã có những dấu hiệu tích cực kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 vừa qua ở Singapore. Tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng-un) đã ký một tuyên bố chung, theo đó Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn đổi lấy đảm bảo an ninh từ Washington.
Tuy nhiên, từ sau cuộc gặp này, các cuộc đàm phán Mỹ-Triều rơi vào bế tắc do hai bên còn nhiều khác biệt liên quan đến quy mô phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Mới đây nhất, ngày 10/12 vừa qua, Mỹ đã công bố biện pháp trừng phạt nhằm vào 3 quan chức Triều Tiên, trong đó có một cố vấn cấp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Triều Tiên, và Bình Nhưỡng đã lên tiếng kêu gọi Washington thức tỉnh, có những hành động đúng đắn về vấn đề phi hạt nhân hóa, thay vì theo đuổi các lệnh trừng phạt Triều Tiên.