Sau khi Iran được dỡ bỏ cấm vận, thế giới đón nhận lượng cung dầu khổng lồ mới. Ảnh: AFP |
Vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1, bốn đại diện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã lên tiếng phủ nhận kế hoạch đàm phán cắt giảm 5% sản lượng mà Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đưa ra ngày 28/1.
Thông tin do hãng Bloomberg (Mỹ) đăng tải lập tức khiến đà tăng của giá dầu vốn được nối dài từ hôm trước chững lại, giảm dần và cuối cùng đổi chiều. Đóng cửa phiên 29/1, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3 giảm 1,5%, còn 32,73 USD/thùng.
Trong một diễn biến liên quan, trên trang Twitter của mình, ký giả Summer Said của tờ “Nhật báo phố Wall” dẫn lời một quan chức Iran cho biết nước này sẽ không tham gia vào bất cứ hành động cắt giảm sản lượng nào của OPEC.
Quan chức trên còn nói rằng trước khi các bên đạt được ý kiến thống nhất, OPEC không cần thiết phải triệu tập hội nghị khẩn cấp. Điều đó có nghĩa thế giới phải đợi đến tháng 6 tới mới biết được OPEC sẽ có quyết định như thế nào đối với việc sản xuất dầu mỏ.
Trong khi đó, điều tra của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy sau khi được dỡ bỏ cấm vận, trong tháng 1, sản lượng dầu mỏ của Iran đã tăng thêm 150.000 thùng/ngày, lên mức 3,05 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia, đối thủ cạnh tranh chính của Iran, cũng tăng từ mức 10,15 triệu thùng/ngày của tháng 12/2015 lên mức 10,25 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
Cùng với sự gia tăng sản lượng của Iraq, tính chung sản lượng dầu mỏ tháng 1 của OPEC đạt, 32,6 triệu thùng/ngày, tăng 290.000 thùng/ngày so với tháng 12/2015. Đây là mức cao mới trong nhiều năm qua.