Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, diễn ra trong 2 ngày với chủ đề "BRICS và châu Phi: Tăng cường đối thoại truyền thông vì một tương lai chung và không thiên vị", diễn đàn năm nay bao gồm các cuộc thảo luận sâu sắc và có ý nghĩa về một loạt các chủ đề quan trọng, như "Bảo vệ công lý để định hình trật tự quốc tế mới", "Tăng cường trao đổi để thúc đẩy tăng trưởng của châu Phi" và "Thúc đẩy đổi mới để thúc đẩy phát triển xanh".
Khách mời danh dự tại diễn đàn bao gồm 200 đại biểu từ 100 cơ quan truyền thông hàng đầu từ các quốc gia BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đại diện các tổ chức truyền thông lớn từ các nước đang phát triển và thị trường mới nổi khác, đặc biệt là các nước châu Phi, các doanh nhân và chuyên gia.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phó Hoa, Chủ tịch điều hành Diễn đàn truyền thông khối BRICS, Xã trưởng Tân Hoa Xã (Trung Quốc) nhấn mạnh các cơ quan truyền thông của các nước BRICS đóng vai trò quan trọng trong thời đại này và có cơ hội hợp tác rộng lớn.
Theo ông Phó Hoa, để thúc đẩy sự phát triển hợp tác chất lượng cao giữa các phương tiện truyền thông thuộc khối BRICS, việc thúc đẩy các giá trị chung của nhân loại, cùng nhau thúc đẩy việc xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn, kể lại những câu chuyện của BRICS tốt hơn trong kỷ nguyên mới, và cùng thúc đẩy giao lưu văn hóa và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh là rất cần thiết.
Dakota Legoete, thành viên y ban Điều hành Quốc gia của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi, cho biết: “Kể từ khi được thành lập vào năm 2015, Diễn đàn Truyền thông khối BRICS đã trở thành một nền tảng quan trọng để nâng cao tiếng nói của các nước BRICS”.
Trong khi đó, Andrey Kondrashov, Tổng giám đốc Hãng thông tấn TASS của Nga, cho biết trong thập kỷ qua, diễn đàn đã trở thành một nền tảng đặc biệt và mang tính biểu tượng để thảo luận về hợp tác truyền thông giữa các quốc gia thành viên. Ông kêu gọi các phương tiện truyền thông BRICS hợp tác chống lại thông tin sai lệch và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Chia sẻ ý kiến của ông Kondrashov, Tiến sĩ Iqbal Survé, đồng Chủ tịch Diễn đàn truyền thông khối BRICS và Chủ tịch không điều hành của Independent Media (Nam Phi) nhấn mạnh: "Khối BRICS đại diện cho gần một nửa dân số thế giới và chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, ảnh hưởng của các quốc gia này trong việc định hình các câu chuyện truyền thông là vô cùng lớn".
Vì vậy, ông Survé nhấn mạnh, diễn đàn với chủ đề: "BRICS và châu Phi: Tăng cường đối thoại truyền thông vì một tương lai chung và không thiên vị", diễn ra trong thời điểm thích hợp để các quốc gia BRICS thể hiện cam kết của mình đối với đạo đức truyền thông, tính trung thực và tính toàn diện trong một thế giới nơi tin tức giả mạo và tin nhanh đang lấn sân sang thực tế.
Ông khẳng định để châu Phi và BRICS thực sự phát triển, vấn đề thông tin sai lệch và tin giả cũng cần được giải quyết và đưa ra khuyến nghị các quốc gia BRICS có thể thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch, chia sẻ các phương pháp hay nhất và giải pháp công nghệ để đảm bảo thông tin chính xác và được xác minh đến với công chúng.
Jose Juan Sanchez, giám đốc CMA Group, nhà cung cấp thông tin tài chính và nông nghiệp của Brazil, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin, tin tức đáng tin cậy và vô tư. Ông nói: "Việc truyền thông giữa các phương tiện truyền thông của BRICS là rất quan trọng và các nước thành viên nên tìm kiếm sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội".
Diễn đàn truyền thông khối BRICS được thành lập năm 2015 theo sáng kiến của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) và cùng khởi xướng với các cơ quan truyền thông chính thống từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Dự kiến một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa các phương tiện truyền thông hàng đầu của BRICS sẽ được thống nhất vào cuối diễn đàn lần này.