Khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC tại Peru

Ngày 14/11, tại thủ đô Lima của Peru đã bắt đầu khai mạc Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2016 với chủ đề "Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Những nền tảng cho tăng trưởng bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương".

Sự kiện bắt đầu từ ngày 14 đến 20/11, quy tụ các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế thành viên của APEC, thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước APEC sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển vốn nhân lực. Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà nước chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại thúc đẩy trong cả năm APEC 2016.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế-thương mại khu vực và toàn cầu suy giảm, cùng với các vấn đề an ninh và môi trường tác động mạnh đến triển vọng phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các cách thức thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC) trong chuỗi giá trị toàn cầu, xác định các mục tiêu chung nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại số, dịch vụ và kinh tế tri thức.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc phát huy vai trò của APEC như một cơ chế thúc đẩy các chính sách ứng phó với nguy cơ mất an ninh lương thực. Để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế sâu rộng tại khu vực, các biện pháp tăng cường các kết nối cứng, kết nối số, kết nối thể chế và kết nối con người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ là những nội dung được các nhà lãnh đạo quan tâm thảo luận.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, bên lề sự kiện, các doanh nghiệp Trung Quốc và Peru đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 2 tỷ USD, liên quan tới ngành công nghiệp nhẹ, dệt may, nông sản, dược phẩm, kim loại và khai khoáng.

APEC được thành lập năm 1989, là diễn đàn của 21 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam. 

Khu vực các nước thành viên APEC có khoảng 2,8 tỷ dân, chiếm cho 57% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và 49% kim ngạch thương mại toàn cầu. APEC tìm kiếm sự thúc đẩy sự tự do thương mại va đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhằm tạo phát triển cho các nền kinh tế của quốc gia thành viên.

TTXVN/Tin Tức
Ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017
Ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017

Để chuẩn bị cho năm Việt Nam là chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, ngày 14/11, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã tổ chức Hội thảo xác định chủ đề và ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN