Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết khoảng 70% các bệnh mới xuất hiện ở người kể từ năm 1990 xuất phát từ động vật hoang dã. Cũng trong khoảng thời gian đó, 178 triệu ha rừng đã bị chặt phá, tương đương với hơn 7 lần diện tích của Vương quốc Anh.
Rừng bao phủ 1/3 diện tích đất liền trên Trái Đất, cũng là nơi cư trú của 80% các loài động, thực vật hoang dã trên cạn. Rừng và các sinh vật rừng cung cấp những dịch vụ hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu và có thể được định giá hàng nghìn tỷ USD.
Hơn 28% đất đai trên thế giới, bao gồm một số khu rừng nguyên vẹn nhất hành tinh là do những người bản địa và các cộng đồng địa phương quản lý. Khoảng 240 - 350 triệu người trên thế giới sống trong hoặc liền kề các khu vực có rừng, phụ thuộc vào các tài nguyên rừng để trang trải các nhu cầu cơ bản nhất, như thực phẩm, nơi ở, năng lượng, thuốc men...
Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), gỗ và lâm sản ngoài gỗ chiếm 1/5 thu nhập của các hộ gia đình nông thôn ở các nền kinh tế đang phát triển có khả năng tiếp cận tài nguyên rừng và ngành lâm nghiệp, tạo ra hơn 80 triệu việc làm trên toàn cầu. Dịch vụ hệ sinh thái rừng ước tính mang lại giá trị kinh tế ước tính 16,1 nghìn tỷ USD mỗi năm cho hành tinh, tương đương 11% GDP toàn cầu. Những người dân bản địa và các cộng đồng địa phương là điển hình cho mối quan hệ cộng sinh giữa con người với rừng, các loài động vật hoang dã sống trong rừng và các hệ sinh thái mà chúng cung cấp. Có thể nói, rừng là trụ cột vững chắc cho sinh kế và lợi ích của con người.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn cầu, LHQ đã lựa chọn chủ đề “Rừng và sinh kế: Nuôi sống con người và hành tinh” cho “Ngày bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới” 3/3 năm nay như một cách nhấn mạnh vai trò trung tâm của rừng, các sinh vật rừng và các dịch vụ hệ sinh thái trong việc duy trì sinh kế của hàng trăm triệu người trên toàn cầu.
Bốn năm trước, anh Vikas Kumar Ujjwal được cử làm cán bộ kiểm lâm tại Lohardaga, bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ. Lần đầu tiên đi khảo sát, Ujjwal sửng sốt khi phát hiện hàng trăm người dân làng mang lậu gỗ từ một cánh rừng ra. Những người dân địa phương nói rằng họ mang số gỗ này ra chợ bán để làm củi và đây cũng là cách kiếm sống duy nhất của họ. Trao đổi với các cán bộ kiểm lâm khác, Ujjwal nhận ra rằng nạn phá rừng Salgi trong dãy Kuru của phân khu rừng Lohardaga chính là “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Rừng Salgi, nơi thượng nguồn của ba con sông Damodar, Sankh và Auranga, hầu như không còn bất kỳ mảng che phủ nào, lực lượng kiểm lâm cũng ngại vào rừng tuần tra vì lo ngại các phần tử chống phá ẩn náu trong rừng. Mật độ phủ xanh của khu rừng Salgi đã giảm đáng kể, các dòng nước tự nhiên đều khô cạn.
Ujjwal quyết định xây dựng kế hoạch hài hòa giữa bảo tồn rừng với đảm bảo sinh kế của người dân bằng cách kêu gọi chính những người dân bản địa giúp sức. Anh tổ chức các cuộc họp với người dân, thống nhất cách bảo vệ những khoảnh rừng giáp ranh với làng. Để đảm bảo sinh kế cho họ, anh hướng dẫn người dân các biện pháp bảo tồn độ ẩm đất ở lưu vực thác Namodag, hướng dẫn nuôi ong và phân phát bộ dụng cụ cho dân làng, tổ chức các chương trình đào tạo làm nghề thủ công bằng tre.
Để gia tăng thu nhập cho người dân, Ujjwal đưa ra sáng kiến phát triển khu du lịch sinh thái Namodag dưới sự quản lý chặt chẽ của Ủy ban Quản lý rừng chung (JFMC). Khách tham quan sẽ trả một khoản phí nhỏ, đổi lại sẽ được đáp ứng đầy đủ các dịch vụ như bãi đậu xe, đi bộ xuyên rừng, hướng dẫn viên... Sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền cùng sự tham gia của người dân địa phương đã đảm bảo sinh kế trực tiếp cho ít nhất 40 người làm việc tại khu du lịch. Sau 3 năm thực hiện kế hoạch, số lượng khách đăng ký tham quan khu du lịch Namodag đã tăng hơn 25.000 người, mang về nguồn thu lớn, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương.
Anh Ujjwal còn tổ chức chương trình nâng cao nhận thức về bảo tồn rừng cho người dân. Dần dần, việc chặt hạ cây trái phép đã giảm 80 - 85%, mật độ rừng cũng bắt đầu được cải thiện đáng kể. Một điều đáng mừng nữa chính là sự xuất hiện trở lại của các loài động vật hoang dã như gấu lười, hươu, nai, nhím, cáo cùng nhiều loài khác. Riêng năm 2017, 30.000 cây giống đã được trồng trên đất rừng, gần 20 đập và ao nhân tạo được xây dựng. Một số đập còn cung cấp nước uống cho các loài động vật hoang dã. Khu rừng bị tàn phá ngày nào đã có tên trên bản đồ du lịch của Jharkhand. Mô hình "tạo sinh kế bền vững để giữ rừng" tại Namodag đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác ở Ấn Độ.
Cũng giống như những người dân ở Lohardaga trước khi anh Ujjwal xuất hiện, nhiều cộng đồng địa phương trên thế giới đều khai thác rừng quá mức. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại vùng rừng East Mau của Kenya, tới 90,3% số hộ gia đình bản địa chặt cây rừng làm củi và tiền bán gỗ củi chiếm 50% thu nhập của các hộ dân này. 33% thu nhập trung bình hằng năm của các hộ gia đình tại East Mau được tạo ra từ việc tiêu thụ và bán lâm sản.
Trong thông điệp nhân “Ngày bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới” 3/3 năm nay, Tổng Thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh: “Mỗi năm, chúng ta mất 4,7 triệu ha rừng - lớn hơn cả diện tích Đan Mạch. Nông nghiệp không bền vững là một nguyên nhân chính. Tình trạng buôn bán gỗ trên toàn cầu cũng vậy, chiếm tới 90% vụ phá rừng nhiệt đới ở một số quốc gia và thu hút các nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới”.
Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp đe dọa số lượng của các loài dựa vào môi trường sống này, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học cũng như làm tăng khả năng các bệnh lây truyền từ động vật như COVID-19 có thể lây sang người. Sự suy giảm của rừng cũng đe dọa an ninh lương thực và nước toàn cầu, gia tăng tình trạng bất bình đẳng toàn cầu và ảnh hưởng đến lợi ích và sinh kế của hàng tỷ người từ Amazon đến lưu vực sông Mekong.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Emory, Hội Động vật học London, Đại học Princeton, và Đại học Chicago, nạn phá rừng tại các vùng nhiệt đới, chủ yếu do sản xuất nông nghiệp, đang thúc đẩy gia tăng tỷ lệ mầm bệnh từ động vật hoang dã sang người. Trong một thế kỷ qua, mỗi năm trung bình có hai loại virus mới có khả năng lây nhiễm sang người. Nhiều loại trong số này xuất phát từ động vật hoang dã. Khi rừng càng bị thu hẹp, động vật hoang dã phải tiếp xúc gần và thường xuyên hơn với con người, thì số lượng virus càng tăng. Nguy cơ này lại càng trầm trọng hơn khi nạn buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã vẫn chưa được kiểm soát.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ khoảng 90% những người nghèo nhất thế giới phụ thuộc vào tài nguyên rừng theo một cách nào đó. Điều này đặc biệt đúng đối với các cộng đồng bản địa sống trong hoặc gần rừng. Thông qua chủ đề của Ngày động vật hoang dã thế giới năm nay, LHQ muốn thúc đẩy các mô hình và biện pháp quản lý rừng và động thực vật hoang dã phù hợp với con người, bảo tồn lâu dài rừng, các loài động, thực vật hoang dã và các hệ sinh thái, đồng thời phát huy giá trị của các biện pháp và kiến thức truyền thống đã góp phần hình thành một mối quan hệ bền vững hơn với hệ thống tự nhiên vô cùng quan trọng này.
Tại Việt Nam, nơi có khoảng 27% dân số sống dựa vào rừng, cùng với các biện pháp tăng cường bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững rừng cũng như các loài hoang dã, ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã..., chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế của người đã và đang được chú trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 -2025, trong đó có chỉ tiêu giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, với mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
Tổng Thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Ivonne Higuero khẳng định: “Rừng có vai trò môi trường quan trọng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hàng triệu người. Rừng duy trì các nguồn tài nguyên này, bởi vậy, nhiều cộng đồng trên thế giới dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai, cũng như đảm bảo an ninh lương thực rộng lớn, điều hòa khí hậu và ổn định nền kinh tế toàn cầu”. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch giúp hài hòa giữa bảo vệ rừng, bảo tồn sinh cảnh của động thực vật hoang dã với mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn cho người dân, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa.