Đây là đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo mới công bố ngày 13/11.
IEA cho rằng nhu cầu năng lượng trên thế giới sẽ tăng hơn 1/4 từ năm 2017 đến 2040 nếu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, nhưng có thể tăng gấp đôi nếu không sử dụng hiệu quả. Nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ tăng 1,6%/năm đến năm 2040 và sẽ cao hơn mức hiện nay khoảng 45%.
Những đánh giá này của IEA có tính đến các luật lệ và chính sách của các nước nhằm giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho biết khí đốt tự nhiên là nhiên liệu hóa thạch tăng trưởng nhanh nhất, vượt than đá vào năm 2030 để trở thành nguồn năng lượng lớn thứ 2 sau dầu mỏ.
Trung Quốc nước nhập khẩu than đá và dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ sớm trở thành nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất toàn cầu và có thể đạt ngang mức Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2040.
Theo các tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã vượt Nhật Bản trong danh sách những nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Mặc dù Trung Quốc là nước sử dụng khí đốt lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nga, nhưng nước này phải nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu trong khi sản xuất trong nước không thể giữ được đà tăng trưởng.
Theo IEA, các nền kinh tế đang nổi tại châu Á sẽ chiếm khoảng 1/2 tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu và phần nhập khẩu LNG của các nước này sẽ tăng gấp đôi lên 60% vào năm 2040. Mỹ có thể chiếm tới 40% tăng trưởng sản lượng khí đốt toàn cầu tới 2025. Ngoài ra, nhu cầu điện toàn cầu cũng sẽ tăng 2,1%/năm chủ yếu do tăng sử dụng tại các nước đang phát triển.
Điện năng sẽ chiếm 1/4 năng lượng được sử dụng cho người tiêu dùng và sản xuất công nghiệp vào năm 2040. Than đá và năng lượng tái tạo sẽ đổi vị trí trong các nguồn sản xuất năng lượng. Tỷ trọng của than đá dự báo sẽ giảm từ mức 40% hiện nay xuống 25% vào năm 2040, trong khi năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 25% hiện nay lên hơn 40% vào năm 2040.
Các nhà máy sử dụng than trên thế giới gây ra 1/3 lượng khí thải CO2 hiện nay. Nhiều nhà máy trong đó đặt ở châu Á, nơi các nhà máy sử dụng than trung bình có độ tuổi trung bình 11 năm và còn chạy hàng thập kỷ nữa, so với độ tuổi trung bình 40 năm tại Mỹ và châu Âu.
Khí thải CO2 liên quan đến năng lượng có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm 2018, và sẽ tiếp tục tăng với tốc độ chậm nhưng đều đặn đến năm 2040. Lượng khí thải sẽ tăng 10% lên mức 36 giga tấn vào năm 2040, chủ yếu do tăng việc sử dụng dầu mỏ và khí đốt.