Triển vọng trên phản ánh tiến độ khiêm tốn đối với Cam kết Mêtan Toàn cầu (GMP) do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu. Theo thỏa thuận này, các quốc gia cam kết vào năm 2030 sẽ giảm 30% lượng phát thải khí mêtan so với mức năm 2020.
Theo một quan chức đề nghị không công bố danh tính của Mỹ, Canada và Mỹ thuộc số các quốc gia sẽ cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch giảm khí thải tại hội nghị.
Tuy nhiên, theo thông tin chính thức, ngoài Mỹ, vẫn chưa rõ có bất kỳ quốc gia nào trong số 10 quốc gia phát thải khí mêtan hàng đầu trên thế giới sẽ trình bày kế hoạch tại Hội nghị COP27.
Trong khi đó, hai quốc gia phát thải khí mêtan lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, đã không tham gia ký GMP và các quốc gia phát thải lớn khác như Brazil dự kiến sẽ không đưa ra kế hoạch kịp thời tại hội nghị.
Kế hoạch của các quốc gia đưa ra tại hội nghị sẽ phác thảo các quy định, tiêu chuẩn và mức đầu tư để giảm khí mêtan và cách thức tiến hành để các chiến lược đó phù hợp với mục tiêu khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, chỉ có 15 quốc gia đã công bố các mục tiêu cụ thể hoặc chiến lược quốc gia chi tiết để cắt giảm phát thải khí mêtan kể từ khi ký GMP tại COP26 ở Glasgow.
Các nhà khoa học cho biết việc cắt giảm mạnh lượng khí thải mêtan từ khai thác dầu khí đến canh tác và quản lý chất thải sẽ là đòn bẩy quan trọng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, vì tác động đến môi trường của khí mêtan mạnh gấp hơn 80 lần so với khí CO2 trong ngắn hạn.
Tháng trước, Tổ chức Khí tượng Thế giới ước tính mức tăng nồng độ khí mêtan trong năm 2021 là mức cao nhất kể từ năm 1983 và sau khi phá kỷ lục trong năm 2020.