Làn sóng biểu tình tại Ukraine đã có dấu hiệu lắng dịu, tuy nhiên đó có thể chỉ là “khoảng lặng trước bão” khi mà những mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn chưa được hóa giải, trong khi các thế lực bên ngoài vẫn tìm cách can dự.
Biểu tình lắng, nghị trường nóng
Trả lời phỏng vấn trên trang web của Bộ Nội vụ Ukraine hôm 7/2, Bộ trưởng Vitaliy Zakharchenko cho biết, tiến trình đàm phán liên tục giữa chính phủ và phe đối lập đã phần nào giúp hạ nhiệt làn sóng biểu tình. Không còn cảnh tượng xô xát bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát trên đường phố.
Người biểu tình chống chính phủ tuần hành phản đối quanh "khu chính phủ" ở thủ đô Kiev ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, ông Zakharchenko cũng cảnh báo, các nguồn tin an ninh, tình báo cho hay một số nhóm cực đoan cánh hữu đã lên kế hoạch tấn công khủng bố, nhằm gây bạo động, phá hoại hòa bình.
Trong khi đó, phe đối lập vẫn tiếp tục nêu yêu sách, gây sức ép đối với chính phủ. Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông DW (Đức), thủ lĩnh phe đối lập Arseniy Yatseniuk cho biết sẵn sàng trở thành thủ tướng Ukraine, nhưng kèm theo điều kiện nội các mới phải gồm toàn các nhân vật đối lập, đi liền với đó là những điều khoản thay đổi hiến pháp.
Ông Yatseniuk tuyên bố, phe đối lập đã dự liệu cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn đối với “cuộc chiến pháp lý” này. Trước mắt là đòi chính phủ đưa ra quyết định chính thức về khôi phục bản hiến pháp 2004, coi đây là bước đệm. Bước tiếp theo là hoàn tất bản hiến pháp mới, định ra mô hình cộng hòa Tổng thống - Nghị viện nhằm tiết giảm quyền lực của tổng thống.
Chính quyền Ukraine đã có phản ứng chính thức đối với đòi hỏi trên. Tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland ở thăm Ukraine hôm 6/2, Tổng thống Viktor Yanukovych cho biết chính phủ của ông sẽ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua thương lượng hòa bình và đối thoại chính trị. Ông Yanukovych cũng bày tỏ lập trường sẵn sàng thảo luận với phe đối lập về sửa đổi hiến pháp. Lãnh đạo đảng các Khu vực cầm quyền Oleksandr Yefremov bày tỏ, đảng này sẽ tham gia vào việc soạn thảo sửa đổi hiến pháp, nhưng sớm nhất đến tháng 9 thì mới có thể hoàn tất, vì còn vướng các quy trình pháp lý.
Lộ rõ sự can dự của Mỹ và phương Tây
Nghị viện châu Âu (EP) hôm 6/2 đã thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ukraine.
Nghị quyết đề nghị Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên tính đến việc cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với những quan chức Ukraine được coi là chủ trương hoặc thực hiện hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình; kêu gọi EU hỗ trợ tài chính cho Ukraine và thành lập phái bộ thường trực đặc biệt của EP ở Ukraine.
Tuy nhiên, sự “phối hợp” giữa Mỹ và EU trong chính sách can dự vào Ukraine hiện gặp phải một “lực cản”, liên quan đến một đoạn băng ghi âm phát tán trên mạng, được cho là cuộc đàm thoại giữa bà Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt. Nội dung cuộc điện đàm cho thấy Mỹ coi thường vai trò của EU thông qua lời bình luận dạng như: “EU thật ngốc nghếch”, “Ông Vitaly Klitschko (thủ lĩnh đối lập được EU hậu thuẫn) không nên tham gia vào chính phủ”... Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thừa nhận, bà Nuland đã buộc phải có các cuộc tiếp xúc với các đối tác EU để xin lỗi về những bình luận này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 6/2 đã ngầm chỉ trích Nga đứng đằng sau vụ việc trên nhằm phục vụ lợi ích của Moskva ở Ukraine. Về phần mình, Moskva cáo buộc Washington là người đứng sau kích động âm mưu đảo chính chống chính quyền Kiev. Ông Sergei Glazyev, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố Mỹ đã cung cấp tài chính, thậm chí là cả vũ trang cho phe đối lập Ukraine, với chi phí lên đến 20 triệu USD/tuần.
Hoài Thanh