Nhiều nước ở Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia cũng như số có chung đường biên giới với Ấn Độ như Bhutan, Nepal đã ghi nhận tình trạng bùng phát ca nhiễm COVID-19 mới. Nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, cũng như nguồn lực có phần hạn chế của những nước này trong kiểm soát, ngăn chặn đại dịch.
Bộ Y tế Lào hồi tuần trước đã phải chạy đua tìm kiếm nguồn cung thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, điều trị COVID-19 sau khi số ca nhiễm mới tăng gấp 200 lần chỉ sau một tháng. Tại Nepal, số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tăng nhanh, nguồn cung ứng oxy trở nên khan hiếm. Hệ thống y tế rơi vào tình cảnh quá tải cũng là điều đang diễn ra ở Thái Lan và nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương – số bước vào làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Diễn biến mau lẹ trên cho thấy nguy cơ tiềm tàng của lây nhiễm mất kiểm soát. Bùng phát dịch bệnh, nhất là ở những nước gần như đã tránh được làn sóng lây nhiễm hồi năm 2020, cho thấy tính cấp thiết của việc cung ứng vaccine cho những nước nghèo. “Điều quan trọng cần rút ra là, tình cảnh ở Ấn Độ cũng có thể lặp lại ở bất kỳ nước nào. Đây thực sự là thách thức rất lớn”, ông Hans Kluge, Giám đốc Văn phòng phụ trách khu vực châu Âu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tuần trước.
Trong thang đánh giá lây nhiễm mới sau một tháng qua, Lào là nước đứng đầu, với tỉ lệ ca mắc mới tăng 22.000%, kế đến là Nepal và Thái Lan, với mức tăng trên 1.000%. Những nước đứng đầu trong danh sách còn có Bhutan, Trinidad và Tobago, Suriname, Campuchia và Fiji, với tốc độ lây nhiễm ở mức ba con số.
Theo giáo sư David Heymann, Chủ tịch nhóm Cố vấn Khoa học và Kỹ thuật về các truyền nhiễm nguy hiểm của WHO, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang đối mặt với nguy cơ. COVID-19 có xu hướng trở thành bệnh đặc hiệu (thường xuất hiện trong một vùng hay một nhóm người cụ thể) và vì thế sẽ là nguy cơ với cả thế giới trong tương lai gần.
Tình thế “rất nghiêm trọng” cũng là đánh giá của Ali Mokdad, Giám đốc chiến lược về sức khỏe dân số Đại học Washington. Bởi sự xuất hiện của biến thể mới đòi hỏi phải có vaccine mới, hoặc cần thêm liều tiêm nhắc đối với số đối tượng đã được tiêm đủ liều. Điều này khiến quá trình kiểm soát đại dịch bị kéo dài. Theo ông, những khó khăn về nguồn lực kinh tế ở những nước nghèo sẽ khiến cuộc chiến chống COVID-19 khó khăn hơn.
Tại Thái Lan, quốc gia mới đây còn tìm cách nới lỏng quy định để phục hồi ngành du lịch bị kiệt quệ do đại dịch, chính quyền đã buộc phải tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc 14 ngày với tất cả khách du lịch. Cơ quan chức năng cũng đã phải điều chỉnh giảm doanh thu từ du lịch trong năm 2021, từ mức dự kiến 8,35 tỉ USD xuống còn 5,40 tỉ USD. Hệ thống y tế quá tải, Thái Lan đang gấp rút thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến để tiếp đón bệnh nhân COVID-19. Nghiên cứu bước đầu cho thấy, khoảng 98% ca lây nhiễm mới ở nước này có liên quan đến biến chủng có nguồn gốc từ Anh.
Campuchia tính đến thời điểm này ghi nhận hơn 10.000 ca lây nhiễm cộng đồng, ở hơn 20 tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh giờ được xác định là “vùng Đỏ” – tức khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Tại Srilanka, chính quyền cũng tiến hành phong tỏa nhiều khu vực, cấm tổ chức đám cưới, tụ họp đông người, hoạt động của rạp chiếu phim, quán bar.
Sau khi gần như miễn nhiễm với COVID-19 nhờ áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Những thành phố du lịch hút khách ở Fiji buộc phải đóng cửa sau khi xuất hiện lây nhiễm cộng đồng, khởi phát từ một trường hợp nhiễm bệnh của quân nhân.
“Gia tăng số ca mắc COVID-19 ở nhiều quốc đảo Thái Bình Dương cho thấy một thực tế: Muốn kiểm soát dịch bệnh, không thể chỉ trông đợi vào kiểm soát biên giới, cần phải đưa vaccine tới những nước này. Ấn Độ là lời cảnh báo gây sốc đối với phần còn lại của thế giới về khả năng lây lan vượt tầm kiểm soát của đại dịch”, ông Jonathan Pryke, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Thái Bình Dương tại Viện Lowy có trụ sở ở Sydney, Australia bình luận.