Những thông tin thêu dệt, rất ít bằng chứng xác thực kiểu như vậy đã nhanh chóng bị phía Nga phủ nhận. Phát biểu tại St. Petersburgh hôm 4/9, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng còn quá sớm để nói về can thiệp quân sự (của Nga) tại Syria trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng Nga vẫn đang cung cấp vũ khí, trang bị, trợ giúp huấn luyện cho quân đội Syria.
Sự “sốt sắng” của phương Tây vẫn chưa dừng lại. Trước việc một số kênh truyền hình trích dẫn các hình ảnh trên mạng xã hội nói rằng “binh sĩ Nga đã chiến đấu cùng quân đội Syria từ tuần trước”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/9 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, bày tỏ “mối quan ngại lớn” của Washington trước những thông tin Nga tăng cường binh lực ở Syria. Ông Lavrov một lần nữa nêu lại quan điểm của Tổng thống Putin, đồng thời kêu gọi Mỹ hợp tác với Syria trong cuộc chiến chống IS.
Thủy thủ Nga tập thể dục buổi sáng tại Sevastopol, Crimea.
|
Đến ngày 7/9, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Nga chưa bao giờ giấu giếm thông tin về việc Moskva cung cấp vũ khí cho chính quyền Syria để chống lại quân khủng bố IS. Về thông tin lính Nga hiện diện ở Syria để bảo vệ Tổng thống Assad, bà Zakharova bình luận “có ai đó đang cố tình đặt chuyện chống lại Nga, bằng việc tung tin sai lệch, hư cấu mà chắc chắn nhằm dụng ý đổ lỗi cho chúng tôi trong tấn thảm kịch ở Trung Đông, cũng như gây đe dọa tới ổn định ở châu Âu và trên thế giới”.
Chỉ là thêu dệt
Tuyên bố của Nga đã rõ: Mosvka có chuyển giao cho Syria vũ khí, trang bị, nhưng là theo các hợp đồng cấp chính phủ đã ký kết trước đó, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc Nga điều quân đội sang Syria lại là câu chuyện khác, mà giới phân tích đều cho rằng khả năng này là điều không có trên thực tế.
Nikolai Kozhanov, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Moscow bình luận, giới lãnh đạo Nga không có ý định làm điều này, vì nó sẽ đẩy nước Nga lún vào một cuộc xung đột, với mức giá phải trả đôi khi là rất đắt. “Sau sự can dự (sa lầy) của Liên Xô ở Afghanistan, dư luận Nga chắc chắn sẽ không ủng hộ việc gửi quân ra nước ngoài”, chuyên gia này chia sẻ.
Lợi ích hàng đầu của Nga tại Syria là bảo đảm chế độ hiện hành của Tổng thống Assad. Duy trì nguyên trạng là điều có ý nghĩa, vì Nga đang vận hành căn cứ hải quân ở Tartus (Syria), căn cứ duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải và Moskva không muốn đánh mất cứ điểm này. Muốn đạt được mục tiêu đó thì chỉ cần cung cấp vũ khí, trang bị cho quân đội Syria là đủ. Tình hình đang khó khăn, nhưng còn lâu chế độ của ông Assad mới sụp đổ nếu mọi việc cứ tiếp diễn như hiện nay – ông Kozhanov nhìn nhận.
Căn cứ hải quân Nga tại cảng Tartus, Syria. |
Cùng chung nhận định trên, ông Alexei Makarkin, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị ở Mosvka nói rằng Kremlin luôn ý thức rằng để bị kéo vào một cuộc xung đột là kịch bản đầy mạo hiểm. “Tại thời điểm này, mục tiêu là bảo vệ Tổng thống Assad với can dự ở mức hạn chế… đủ để bảo đảm cho viễn cảnh ông này sẽ tồn tại sau khi nội chiến ở Syria kết thúc”, ông Makarkin bày tỏ.
Cuối cùng, thực tế cũng không cho phép Nga thực hiện một cuộc điều quân lớn mà có thể qua mặt được Mỹ, phương Tây. Dưới chiêu bài chống IS, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu về cơ bản đã kiểm soát được không phận Syria. Mọi động thái di chuyển binh sĩ, vũ khí, máy bay chiến đấu từ Nga tới Syria đều khó có thể vượt qua sự theo dõi của Mỹ. Việc điều động binh lực bằng đường biển cũng rất khó khăn, với quãng đường xa hơn 1.000 km, đặt trong bối cảnh hải quân Nga cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về tác chiến biển xa.