Khủng hoảng chính trị tại Brazil tiếp tục căng thẳng

Bất chấp quyền Chủ tịch Hạ viện Brazil yêu cầu ngừng quá trình luận tội Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện nước này tuyên bố mọi việc vẫn sẽ được tiến hành.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff phát biểu tại Brasilia, Brazil ngày 6/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Chủ tịch Thượng viện Brazil Renan Calheiros ngày 9/5 khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành việc xem xét đưa Tổng thống Dilma Rousseff ra xét xử nhằm bãi nhiệm người đứng đầu nhà nước mặc dù trước đó quyền Chủ tịch Hạ viện đã bãi bỏ việc này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, tuyên bố của ông Calheiros được đưa ra chỉ ít giờ sau khi quyền Chủ tịch Hạ viện Waldir Maranhao cùng ngày yêu cầu ngừng ngay việc xem xét luận tội Tổng thống Rousseff. Ông Calheiros cho rằng không thể đồng ý với quyết định của ông Maranhao bởi điều này làm chậm lại việc bãi nhiệm bà Rousseff.

Trong khi đó, Tổng Chưởng lý Jose Eduardo Cardozo cho rằng Thượng viện sẽ không thể tiếp tục tiến hành xem xét bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống mà không được sự đồng ý của Hạ viện. Về phần mình, Tổng thống Rousseff tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh bảo vệ nền dân chủ chống lại đảo chính và tiến trình luận tội bất hợp pháp chống lại nhà lãnh đạo này.

Ông Maranhao đảm nhiệm chức vụ quyền Chủ tịch Hạ viện từ tuần trước thay cho ông Eduardo Cunha, một trong những người chủ mưu thúc đẩy việc xét xử Tổng thống Rousseff, bị Tòa án Tối cao đình chỉ chức vụ hôm 5/5 do các cáo buộc tham nhũng trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn dầu khí Petrobras.

Chính phủ Venezuela và Ecuador đã hoan nghênh quyết định của ông Maranhao và cho rằng không có bằng chứng về việc bà Rousseff phạm tội. Các ngoại trưởng Venezuela và Ecuador bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ ở Nam Mỹ.

Ngày 17/4, Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành luận tội Tổng thống Rousseff mặc dù người đứng đầu nhà nước không bị điều tra hay có bất cứ cáo buộc nào liên quan tới tham nhũng. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và đồng minh thân cận cũng như các đối thủ của bà Rousseff đang bị điều tra hoặc bị tố cáo có dính líu tới đường dây tham ô của Petrobras.

Theo dự kiến, ngày 11/5 tới, Thượng viện sẽ họp phiên toàn thể để bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm bà Rousseff. Chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận. Nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ làm tổng thống tới ngày 31/12/2018.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá hàng hóa cao và nhu cầu lớn về dầu mỏ, quặng sắt và một số hàng hóa khác từ thị trường Trung Quốc.

TTXVN/Tin Tức
Nguy cơ đảo chính mềm ở Brazil
Nguy cơ đảo chính mềm ở Brazil

Bắn pháo giấy, hát hò, reo mừng ầm ĩ. Đó là tâm trạng tiệc tùng ăn mừng của phe đối lập Brazil tại Hạ viện sau khi họ giành được đa số phiếu để nhất trí đưa việc luận tội nữ Tổng thống Dilma Rousseff lên Thượng viện. Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, phe đối lập chỉ còn hai bước nữa là có thể thành công trong việc hạ bệ bà Rousseff - hành động mà dư luận thế giới coi không khác gì một cuộc đảo chính không đổ máu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN