Hãng thông tấn AP nhận định rằng động thái này có thể khiến Liban phải trả giá bằng mối quan hệ với Mỹ.
Là quốc gia nhỏ bé 5 triệu dân nằm ở vị trí giao giữa châu Á và châu Âu, Liban đã trở thành nơi các đối thủ như Iran và Saudi Arabia đối đầu. Hiện nay, Liban lại là trung tâm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.
Thời gian qua, kinh tế Liban rơi vào cảnh khó khăn. Trong những tháng gần đây, đồng pound của Liban mất 80% giá trị so với đồng USD. Trong khi đó, giá cả tăng không kiểm soát, nhiều người dân tầng lớp trung lưu Liban rơi vào cảnh nghèo khổ.
Ngoài ra, đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cứu trợ tài chính không đạt kết quả. Các nhà tài trợ quốc tế từ chối trao 11 tỷ USD cam kết trong năm 2018 với lý do Liban còn chậm cải tổ kinh tế, áp dụng biện pháp chống tham nhũng.
Không còn nhiều lựa chọn, chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab đã tìm đến Trung Quốc đề nghị hỗ trợ.
Một quan chức cấp cao Liban giấu tên chia sẻ với AP: “Động thái của chúng tôi với Trung Quốc là nghiêm túc nhưng Liban không quay lưng lại với phương Tây. Chúng tôi đang trải qua tình huống bất thường do vậy chúng tôi chào đón bất cứ ai muốn giúp đỡ”.
Quan chức giấu tên này còn cho biết Trung Quốc đã tỏ ý muốn xử lý cuộc khủng khoảng điện vốn tồn tại ở Liban trong nhiều thập niên. Ngoài ra, Bắc Kinh còn gợi ý xây dựng nhà máy năng lượng, thi công đường hầm qua núi để rút ngắn quãng đường từ Beirut tới Thung lũng Bekaa, tuyến đường sắt dọc bờ biển Liban.
Chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab trong thời gian qua cáo buộc Mỹ “bao vây tài chính” không chính thức với Liban để gây áp lực lên phong trào Hezbollah hậu thuẫn chính phủ. Trong cuộc họp nội các ngày 2/7, Thủ tướng Diab nói: “Họ đang ngăn cản bất cứ hỗ trợ nào đối với Liban”.
Không đề cập đến cụ thể một cái tên nào nhưng Thủ tướng Diab nhận xét: “Họ đã ngăn cản chuyển tiền tới Liban, chặn dòng tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thuốc men và bột mì”.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: “Việc đổ trách nhiệm lên Mỹ về khủng hoảng kinh tế Liban là sai lầm và lừa dối”.
AP dẫn nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Liban và IMF đã tham gia 17 vòng đàm phán từ giữa tháng 5 nhưng đều không có tiến triển nào. Nội dung đàm phán giữa Liban và IMF xoay quanh việc xử lý thâm hụt tài khóa, bơm tiền USD, xây dựng khung cải cách cơ cấu. Trong khi đó, thảo luận giữa Liban và Trung Quốc lại tập trung vào các dự án cơ sở hạ thầng.
Trong tháng 3, Liban đã vỡ nợ công và nhà kinh tế Hasan Moukalled nhận định rằng hầu hết các công ty phương Tây đều lưỡng lự đầu tư tại quốc gia này nếu Beirut không đạt được thỏa thuận với IMF. Đây chính là điều khác biệt so với các doanh nghiệp Trung Quốc bởi họ vẫn sẵn sàng tham gia vào thị trường Liban.
Ông Moukalled nói rằng Trung Quốc đã đề nghị những dự án có tổng giá trị 12,5 tỷ USD. Đầu tư này có thể đem lại lợi ích khi Trung Quốc gặt hái được quan hệ gần gũi hơn với Liban. Cảng tại Liban có thể trở thành một điểm dừng trong dự án “Con đường Tơ lụa mới” của Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Liban Dorothy Shea nhận định: “Chúng tôi hiểu rằng Liban cần nhà đầu tư”. Tuy nhiên, bà Dorothy Shea cũng cảnh báo các đầu tư Trung Quốc có thể khiến Liban phải đánh đổi bằng ổn định, thịnh vượng, năng lực sinh tồn kinh tế hoặc mối quan hệ lâu năm với Mỹ.