Chi phí năng lượng cao hơn
Trong phiên 24/2, giá dầu Brent đã lần đầu tiên kể từ năm 2014 vọt lên 105 USD/thùng. Giá năng lượng cao hơn có thể làm gia tăng chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng và gây thêm sức ép đối với tỷ lệ lạm phát vốn ở mức cao nhất ở 40 năm.
Theo nhà kinh tế Gregory Daco, của công ty tư vấn EY-Parthenon, có trụ sở tại Mỹ, nếu giá dầu duy trì trên 100 USD/thùng, chi phí năng lượng của các hộ gia đình Mỹ trong năm nay có thể tăng trung bình 750 USD so với năm ngoái, khiến họ có ít tiền hơn để chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ khác.
Ông Daco cho rằng những khoản chi phí tăng thêm trên cũng có thể là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, khi giá dầu cao hơn có thể làm tăng lạm phát 0,6 điểm phần trăm trong năm nay và làm tăng trưởng kinh tế giảm 0,4 điểm phần trăm.
Tháng trước, giá tiêu dùng đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ cao nhất trong gần 40 năm. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin cảnh báo giá cả gia tăng sẽ làm giảm chi tiêu tiêu dùng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Chuỗi cung ứng và thương mại
Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ, do đó tình hình căng thẳng mới đây sẽ không có tác động thương mại lớn đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, không giống như các đồng minh châu Âu, Mỹ cũng là một nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên, do đó, tác động đến giá cả không quá lớn.
Tuy nhiên, với việc người tiêu dùng Mỹ đang căng thẳng trước đà tăng của nhiều loại hàng hóa từ ô tô đến thực phẩm do đại dịch COVID-19 thắt chặt chuỗi cung ứng, bất kỳ sự leo thang căng thẳng địa chính trị nào cũng có thể gia tăng sức ép đối với lạm phát.
Tập đoàn Nornickel của Nga là nhà cung cấp palladium lớn nhất thế giới. Kim loại này được các nhà sản xuất ô tô sử dụng cho các bộ phận làm sạch khói thải ô tô. Trong phiên 24/2, giá palldium có thời điểm đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng Bảy khi bất kỳ sự gián đoạn nào nguồn cung từ Nga cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng ô tô, vốn đã sụt giảm do thiếu chip bán dẫn.
Nga và Ukraine cũng xuất khẩu hơn 1/4 lượng lúa mỳ của thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn. Theo các nhà phân tích của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London, mặc dù đà tăng chi phí hàng hóa nông nghiệp có tác động yếu đối với giá tiêu dùng, song vấn đề này vẫn có thể khiến lạm phát tại các nền kinh tế phát triển tăng thêm 0,2-0,4 điểm phần trăm trong vài tháng tới.
Theo nhà kinh tế Michael Strain của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), thương mại và đầu tư nước ngoài của Mỹ có thể gián tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến động địa chính trị tại châu Âu.
Chứng khoán sụt giảm
Sau khi sụt giảm, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã phục hồi trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Chuyên gia Jonas Goltermann tại Capital Economics cảnh báo nếu tình hình tại Ukraine không có bất kỳ cải thiện nào, chứng khoán có thể phải giảm thêm nữa.
Sau đợt lao dốc ban đầu khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cổ phiếu đã tăng gấp đôi giá trị, và việc nắm giữ trực tiếp cổ phiếu đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong tài sản hộ gia đình. Do đó, bất kỳ sự sụt giảm nào của chứng khoán cũng làm xói mòn tài sản hộ gia đình Mỹ, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhu cầu tiêu dùng.
Chuyên gia Larry Meyer của tổ chức tư vấn Monetary Policy Analytics, có trụ sở tại Mỹ, nhận định nếu nhu cầu suy yếu về cơ bản, Fed chắc chắn sẽ có những quyết định khó khăn.
Những tác động khác
Chuyên gia Carl Weinberg của công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics (Mỹ) cảnh báo quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và gia tăng sức ép lạm phát hơn nữa. Ông cũng cảnh báo rằng Nga có thể đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào lĩnh vực tài chính của Mỹ hoặc châu Âu.
Trong khi đó, nhà kinh tế Carl Tannenbaum của công ty dịch vụ tài chính Northern Trust, có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo nếu xảy ra một cuộc xung đột trên diện rộng tại Đông Âu, các ngân hàng trung ương có thể đánh giá lại triển vọng đối với chính sách tiền tệ.