Kịch bản Indonesia mời Ukraine đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G20?

Quyết định mời Nga đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 của Indonesia vào cuối năm nay đã bị nhiều quốc gia phương Tây phản đối. Song các chuyên gia nhận định nước chủ nhà có thể tận dụng cơ hội này để đóng vai “nhà hòa giải” xoa dịu xung đột Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh với các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại trung tâm hội nghị La Nuvola, ở Rome. Ảnh: AP

Quyết định mời Nga đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 của Indonesia vào cuối năm nay đã bị nhiều quốc gia phương Tây phản đối. Song các chuyên gia nhận định nước chủ nhà có thể tận dụng cơ hội này để đóng vai “nhà hòa giải” xoa dịu xung đột Ukraine.

Theo hãng tin CNA, Indonesia, nước hiện giữ ghế Chủ tịch luân phiên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đang nằm trong tầm ngắm của Mỹ và các đồng minh, như Australia và Liên minh châu Âu. Những quốc gia này muốn loại Nga khỏi nhóm các nền kinh tế lớn nhằm trả đũa chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra trong hơn một tháng mà chưa có bất kỳ dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, các nước phương Tây đã gửi hàng loạt vũ khí hỗ trợ Ukraine, áp lệnh trừng phạt kinh tế nghiệt ngã đối với Nga và trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nước này.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định mời Nga đến Hội nghị thượng đỉnh G20 với mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Song các nước phương Tây cho biết nếu Nga vẫn nằm trong danh sách dự hội nghị, Indonesia nên mời cả Ukraine.

Vấn đề Nga-Ukraine có nên được đưa vào chương trình nghị sự?

Indonesia đang phải hứng chịu những áp lực nặng nề từ phương Tây. Việc mời Ukraine đến dự hội nghị có thể gây rạn nứt mối quan hệ giữa Indonesia và các thành viên G20 khác, như Brazil và Trung Quốc. Trong khi bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại Nga khỏi nhóm đều có thể bị các thành viên khác phủ quyết. Điều này có thể dẫn tới khả năng một số quốc gia sẽ không dự các cuộc họp G20. Động thái này cũng có thể phá vỡ chương trình nghị sự chung của hội nghị thượng đỉnh và không phù hợp với nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine của Indonesia.

Indonesia muốn đưa xung đột Nga-Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự G20. Quốc ra này cho rằng hội nghị chỉ nên tập trung vào các vấn đề kinh tế, vốn nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Song một số chuyên gia kinh tế Indonesia cho rằng vấn đề Ukraine là một chủ đề không thể tránh khỏi trong chương trình nghị sự. Nguyên nhân là do cuộc xung đột đã làm sâu sắc thêm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đáng chú ý là tác động của cuộc khủng hoảng đối với giá dầu và hàng hóa. Hơn một nửa quốc gia thành viên G20 đều hợp tác chặt chẽ với một trong những bên xung đột.

Hội nghị thượng đỉnh G20 có thể thúc đẩy Indonesia thể hiện vai trò cụ thể của mình trong tiến trình hòa bình bằng cách trở thành “nhà hòa giải” giữa Nga và Ukraine. Dưới đây là các lý do chính cho thấy Indonesia có thể là một nhà hòa giải trung thực cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Lập trường không thiên vị

Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại địa điểm quy hoạch thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: AFP

Indonesia tuân thủ nguyên tắc chính sách đối ngoại “tự do và năng động”. Chính sách này dựa trên cam kết duy trì hòa bình và trật tự thế giới, không tham gia vào các cuộc xung đột công khai với các cường quốc và từ chối liên minh với bất kỳ bên nào.

Các chuyên gia cho rằng Indonesia nên áp dụng lập trường này với tư cách là chủ tịch G20 năm 2022. Yếu tố cần thiết này cũng mang lại cho Indonesia lợi thế ngoại giao và cơ hội trở thành trung gian hòa giải, chứng tỏ vai trò đa phương mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa, quyết định giữ Nga trong danh sách thành viên tham dự G20 chứng minh cho thế giới thấy Indonesia sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào từ phương Tây. Thay vào đó, quốc gia này có thể trở thành một cường quốc tầm trung chiến lược và nhận được sự tin tưởng từ các bên tham chiến.

Indonesia vẫn chưa quyết định có mời Ukraine tham dự hội nghị G20 sắp tới hay không. Nhưng khả năng Ukraine và Nga đều có mặt tại hội nghị sẽ là một điểm khởi đầu tốt. Nếu cả hai bên đồng ý gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh, Indonesia có thể tập hợp các thành viên G20 khác, có lập trường và nguyện vọng tương tự, giúp cuộc đàm phán hòa bình trở nên khả thi hơn.

Liệu Indonesia có thể đảm nhiệm tốt vai trò nhà hòa giải trong xung đột Nga-Ukraine?

Chú thích ảnh
Phái đoàn Nga (trái) và Ukraine (phải) tại cuộc đàm phán ở vùng Gomel, gần biên giới Belarus-Ukraine ngày 28/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia đã có thành tích tốt trong việc hòa giải các cuộc xung đột khu vực. Bà Lina Alexandra, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta, cho biết Indonesia đã đóng vai trò là nhà hòa giải trung thực, tạo điều kiện cho các nỗ lực hòa bình trong cuộc xung đột giữa Chính phủ Philippines và lực lượng Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro (MNLF), từ những năm 1970 đến những năm 1990.

Năm 1993, Indonesia chủ trì tổ chức vòng đàm phán không chính thức thứ hai tại Cipanas, Tây Java. Các cuộc đàm phán dẫn đến tuyên bố chung giúp Chính phủ Philippines và MNLF ký kết thỏa thuận hòa bình vào năm 1996.

Giới chuyên gia nhận định Indonesia có thể lặp lại thành công đó trong vai trò là nhà hỗ trợ hòa bình chiến lược giữa Nga và Ukraine trong nhiệm kỳ chủ tịch G20. Bằng cách là một nhà hòa giải trung thực, Indonesia cũng có thể chứng minh khả năng của mình trong việc duy trì trật tự quốc tế và cải thiện hình ảnh quốc tế của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Israel cũng đang cạnh tranh vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20, Indonesia đã nắm trong tay “tấm vé vàng”.

Nếu Indonesia có thể mang lại những kết quả chiến lược dẫn đến một thỏa thuận hòa bình, như họ đã thực hiện thành công trước đây, điều này sẽ giúp cải thiện hình ảnh và khả năng đàm phán của quốc gia Đông Nam Á này trên trường quốc tế.

Hải Vân/Báo Tin tức
Lý do Mỹ khó loại Nga khỏi G20
Lý do Mỹ khó loại Nga khỏi G20

Mỹ gây sức ép để loại Nga khỏi G20, nhưng điều này sẽ gặp phải một số thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN