Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, hồi đầu tháng 12/2023, Chính phủ Ai Cập đã điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2024 xuống còn 3,5%, từ mức dự báo 4,2% được đưa ra trước đó. Vào tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ai Cập năm 2023 từ 4% lên 4,2%. Tuy nhiên, WB lại hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước Kim tự tháp trong năm 2024 xuống còn 3,7%, từ mức dự báo 4% được đưa ra trước đó. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh nâng mức dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Ai Cập trong năm 2023 lên 4,2%, từ mức 3,7%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 từ 4,1% xuống còn 3,6%.
Báo cáo của IIF đã nêu bật một số yếu tố có thể gây ra sự suy giảm xuất khẩu của Ai Cập trong tài khóa 2023-2024, bao gồm lạm phát gia tăng, thiếu hụt ngoại tệ, căng thẳng địa chính trị và tình trạng gián đoạn nguồn cung hàng hóa, nhân tố có thể sẽ làm suy yếu tiêu dùng của khu vực tư nhân. IIF nhận xét kim ngạch xuất khẩu hydro của Ai Cập có thể sụt giảm trong năm tài chính 2023-2024, do những hạn chế xuất khẩu được áp dụng trong các tháng mùa Hè nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở trong nước.
Bên cạnh đó, IIF cho rằng những căng thẳng ở Trung Đông, bao gồm cả cuộc xung đột ở Dải Gaza, đã tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Israel của Ai Cập, qua đó gây tổn hại đến việc tái xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Cairo. Thâm hụt thương mại của Ai Cập trong năm tài chính 2022-2023 đã giảm 23,59%, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa phi dầu mỏ giảm mạnh.
IIF nhận định đồng bảng Ai Cập có thể sẽ trải qua một đợt phá giá nữa khi nước này đang hướng tới một tỷ giá linh hoạt hơn. Theo IIF, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường song song của đồng bảng Ai Cập so với đồng USD hiện vào khoảng 40%. Ngân hàng HSBC của Anh mới đây dự báo giá trị đồng bảng Ai Cập sẽ giảm xuống còn 40-45 bảng đổi 1 USD vào quý I/2024. Ai Cập đã 3 lần phá giá đồng nội tệ kể từ tháng 3/2022 tới nay, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà nước này phải đối mặt là sự khan hiếm đồng USD và lạm phát leo thang, khiến đồng bảng Ai Cập mất gần một nửa giá trị so với đồng USD.
IIF cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái cũng có thể mở đường cho các kế hoạch tư nhân hóa của Ai Cập, qua đó có thể tạo ra 5 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 6/2024. IIF cũng chỉ ra những rủi ro cơ bản đe dọa triển vọng tăng trưởng của kinh tế Ai Cập, bao gồm cả việc không đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ tín dụng 3 tỷ USD với IMF và sự kéo dài phức tạp của cuộc xung đột ở Gaza. Những yếu tố này có thể gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn và tình trạng thiếu nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, khiến dự trữ ngoại hối của Ai Cập sụt xuống mức nghiêm trọng. Báo cáo của IIF đánh giá trong trường hợp này, Ai Cập có thể vượt qua khó khăn bằng cách áp đặt bổ sung các hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa như đã thực hiện trong tài khóa vừa qua.