Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 3 - tương ứng với quý IV của năm tài chính của Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này đã tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm tài chính trước, chủ yếu do sự tăng trưởng trong ngành lắp ráp. Trong quý trước đó, nền kinh tế Ấn Độ chỉ ghi nhận mức tăng trưởng là 0,5%. Bộ này dự đoán GDP hằng năm trong năm tài chính hiện tại sẽ sụt giảm 7,3%, thấp hơn so với mức dự báo 8% trước đó,
Tiến độ tiêm vaccine chậm cùng với các biện pháp kiểm soát làn sóng dịch thứ hai đã tác động mạnh đến các lĩnh vực như bán lẻ, giao thông và xây dựng, đẩy hàng triệu người dân Ấn Độ vào tình cảnh thất nghiệp.
Theo Trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ, chỉ trong tháng 4 vừa qua, các biện pháp hạn chế đã khiến 7,3 triệu người mất việc. Điều này gây "tổn thương" cho một quốc gia, nơi mà 90% lực lượng lao động tập trung tại các ngành phi chính thức không được hưởng chính sách an sinh xã hội. Trung tâm này nêu rõ, tính đến ngày 23/5, tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ là 14,7%, mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Hiện Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19 với 28.047.534 ca và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 329.127 ca. Giới chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Ấn Độ, vốn đã có dấu hiệu đi xuống trước khi đại dịch bùng phát, có thể chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng - yếu tố đóng góp hơn 55% cho nền kinh tế - trong khi thu nhập hộ gia đình và việc làm bị giảm. Hồi tuần trước, Ngân hàng trung ương Ấn Độ nhận định viễn cảnh kinh tế sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát được dịch bệnh.