Kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 300 năm

Cơ quan dự báo ngân sách của Anh ngày 14/4 cho biết kinh tế Anh có thể giảm tới 13% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa hiện nay của chính phủ để chống dịch COVID-19. Đây sẽ là mức suy thoái sâu nhất của Anh trong 3 thế kỉ và dự kiến mức nợ công sẽ vượt quá mức cao của giai đoạn hậu Thế chiến thứ 2.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR), chỉ tính riêng trong quý 2/2020, sản lượng kinh tế nước này có thể giảm tới 35%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng hơn gấp đôi, lên mức 10%. Tuy nhiên, sự bật nảy có thể trở lại vào cuối năm nay nếu các biện pháp phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của dịch được dỡ bỏ.

Mặc dù vậy, OBR nhấn mạnh đây không phải dự báo chính thức, do thiếu sự rõ ràng về thời gian phong tỏa của chính quyền vốn được dự kiến có thể kéo dài tới 3 tháng, tiếp đó là việc dỡ bỏ 1 phần trong 3 tháng nữa.

Cũng trong ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Anh sẽ giảm 6,5% trong năm 2020, tương tự mức sụt giảm của các nền kinh tế khác, trước khi tăng trưởng 4% trong năm 2021. 

Tuy nhiên, triển vọng tài chính công của Anh vẫn tương đối ảm đạm. Theo OBR, thiệt hại về doanh thu từ thuế cũng như kế hoạch chi tiêu lớn của chính phủ Anh đồng nghĩa thâm hụt ngân sách có thể lên tới 273 tỷ bảng Anh (tương đương 342 tỷ USD, trong năm thuế 2020-2021, gấp 5 lần ước tính trước đó. Con số này cũng tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức 10% của từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2007. Anh đã dần hạ thấp mức thâm hụt xuống khoảng 2% sau khoảng 1 thập kỉ cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công. 

Theo OBR, nợ ròng khu vực công tại Anh có thể vượt quá 100% GDP trong tài khóa 2020-2021 nhưng sẽ dừng ở mức khoảng 95% GDP. Trước khi chính phủ Anh phong tỏa nền kinh tế từ hôm 20/3 để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19, OBR dự báo nợ công tại Anh sẽ tương đương 77% GDP trong tài khóa 2020-2021. Tờ the Times đưa tin dự kiến việc phong tỏa sẽ được kéo dài ít nhất đến ngày 7/5. OBR cảnh báo triển vọng ngắn và trung hạn của kinh tế và lĩnh vực tài chính công của Anh sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có phản ứng tài chính và tiền tệ từ chính phủ. 

Trong tháng 3, Ngân hàng trung ương Anh đã 2 lần cắt giảm lãi suất, đẩy mạnh chương trình thu mua trái phiếu với ngân sách kỉ lục 200 tỷ bảng cũng như áp dụng nhiều biện pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 14/4 khẳng định các ngân hàng đang bắt nhịp với tốc độ cho vay của chính phủ cho doanh nghiệp, song cảnh báo chính phủ không thể "cứu" mọi ngành nghề. Ông cũng bác tin cho rằng đang có sự căng thẳng giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế Anh liên quan đến thời gian phong tỏa. Theo ông, "không hề có sự lựa chọn giữa y tế và kinh tế".

Việt Hải (TTXVN)
Sự khác biệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đức và Anh
Sự khác biệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đức và Anh

Tính đến ngày 14/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã đạt mốc gần 2 triệu người, với trên 120.000 ca tử vong. Tại châu Âu, sự khác biệt rõ rệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của 2 quốc gia Đức và Anh được coi là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN