Theo thông báo ngày 6/2 của Cơ quan Thống kê Indonesia, quốc gia Đông Nam Á - vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và du lịch, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 2,07%. Đây là lần đầu tiên GDP của Indonesia sụt giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã phục hồi sau đó, ghi nhận mức tăng trưởng đạt 5,31% trong năm 2022 - cao nhất kể từ năm 2013.
Giám đốc Cơ quan Thống kê Indonesia, ông Margo Yuwono nhấn mạnh các chỉ số này cho thấy kinh tế Indonesia tăng trưởng vững chắc trong năm ngoái. Theo ông, Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng cao nhờ giá xuất khẩu cao và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại, trong đó có việc hủy bỏ yêu cầu cách ly hồi tháng 3/2022 đã thúc đẩy kinh doanh và gia tăng lượng du khách.
Ông Yuwono khẳng định việc mở lại hầu hết các sân bay quốc tế đã thúc đẩy hoạt động kinh tế của người dân. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, quốc gia Đông Nam Á này đã đón hơn 740.000 lượt du khách, tăng hơn 900% so với cùng kỳ năm 2021.
GDP của Indonesia vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2022 dù chậm lại trong quý cuối cùng của năm, sau thời gian tăng mạnh trong quý liền kề trước đó. Trong quý IV/2022, kinh tế của Indonesia tăng trưởng 5,01% so với cùng kỳ năm 2021, song giảm so với mức 5,72% của quý III/2022.
Giới phân tích cho rằng dù đã phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể chậm lại chút ít trong năm 2023. Ông Gareth Leather, một nhà kinh tế cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu Capital Economics, có trụ sở ở Anh, nhận định: "Kinh tế có thể suy yếu hơn nữa do nhu cầu toàn cầu yếu, lạm phát cao và lãi suất tăng làm giảm hoạt động kinh tế". Do đó, tăng trưởng có thể chậm lại trong những quý tới.