Nền kinh tế Nga đã tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, với việc đồng rúp trở thành đồng tiền hoạt động tốt cho đến thời điểm này trong năm nay. Giá dầu tăng cao một lần nữa chứng minh lợi thế của nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch này. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong một số lĩnh vực đang bắt đầu gây ra hậu quả nặng nề.
Đồng rúp của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm so với đồng USD trên sàn giao dịch Moskva vào ngày 20/6 và trở thành đồng tiền hoạt động tốt hàng đầu thế giới trong năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu của ông tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg ngày 17/6: "Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã thất bại". Trước đó, cùng với các đồng minh như Anh, Australia và Nhật Bản, Mỹ và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt hàng loạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine - bao gồm việc đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga.
Nhưng trong khi nền kinh tế Nga đang tăng trưởng tốt, các nhà phân tích cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với Moskva.
Một tuần sau khi xung đột nổ ra, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và đồng euro. Thông qua phong tỏa kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Nga, phương Tây đã tước đi phương tiện cơ bản để duy trì giá trị đồng tiền của nước này.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất lên 20% và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn mạnh mẽ đối với các công ty cũng như người dân.
Đồng rúp tăng cao sau đó cho thấy Ngân hàng Trung ương Nga đang thành công. Nhà kinh tế Julien Vercueil, đồng Chủ tịch của Đại học INALCO ở Paris, cho biết giá trị cao của đồng tiền này là “một may mắn chính trị” không thể phủ nhận. “Khi bắt đầu cuộc xung đột, Moskva thực sự lo ngại nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính, nguy cơ gây lạm phát và làm suy giảm niềm tin của người dân vào đồng rúp. Họ đã ngăn chặn được nguy cơ đó vào lúc này", chuyên gia kinh tế trên nói.
Nhưng Julien Vercueil lưu ý: “Mặt khác, giá trị hiện tại của đồng rúp quá cao nên các sản phẩm do Nga sản xuất không thể cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài về giá cả. Điều đó có thể làm phức tạp chính sách thay thế nhập khẩu mà Tổng thống Putin đã kêu gọi".
Nhiều thời kỳ giá dầu cao kéo dài đã mang lại cho Moskva nhiều lợi thế. Nó cho phép Liên Xô bù đắp được những hạn chế về kinh tế và mang lại cho người dân mức sống chưa từng có dưới thời Leonid Brezhnev (Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô) vào những năm 1970 và dưới thời Putin vào những năm 2000, người đã giúp nền kinh tế Nga trỗi dậy sau thảm họa những năm 1990.
Hiện tượng này đang tái diễn, với nhiên liệu hydrocacbon vẫn chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki, Nga đã thu về hơn 90 tỷ euro xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xung đột.
Bất chấp những tranh cãi gay gắt ở các nước châu Âu và áp lực từ Kiev, báo cáo cho thấy EU vẫn chiếm 61% xuất khẩu hydrocacbon của Nga, lên tới khoảng 57 tỷ euro.
Đức là nước nhập khẩu khí đốt lớn của Nga kể từ thời Brezhnev còn ở Điện Kremlin. Theo đó, vào đầu tháng 4 năm nay, Berlin đã bác bỏ lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của EU.
Tuy nhiên, EU đã áp đặt dần lệnh cấm vận đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trong vòng trừng phạt thứ sáu được thông qua vào đầu tháng 6, với kỳ vọng cắt giảm 90% lượng nhập khẩu này vào năm 2023. Nga chiếm hơn 11% sản lượng dầu toàn cầu, do đó lệnh cấm vận của EU có nguy cơ làm tăng giá vào thời điểm lạm phát lan tràn.
Lĩnh vực dịch vụ tài chính của Nga cho đến nay vẫn chưa chịu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng phần lớn lĩnh vực sản xuất đã bị ảnh hưởng nặng nề - đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, khi trong tháng 4/2022 đã chứng kiến sự sụt giảm bất thường 78,5% so với cùng kỳ năm ngoái về doanh số bán xe.
Đây là hệ quả của việc các công ty quốc tế như Mercedes-Benz, Volkswagen và Renault rời đi cùng với đó là lệnh cấm vận của phương Tây đối với các linh kiện điện tử vào thời điểm toàn cầu thiếu hụt.
Đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung tương tự, ngành hàng không Nga cũng đã phải đối phó với việc EU, Mỹ, Anh và Canada đóng cửa không phận của họ đối với máy bay Nga, điều này đã làm gián đoạn đáng kể việc di chuyển bằng đường không đồng thời khiến giá vé của Nga tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, các số liệu chính thức của tháng 4/2022 cho thấy không chỉ các lĩnh vực như dầu mỏ và khai thác mỏ đang phát triển đối tốt ở Nga, mà cả các ngành công nghiệp dược phẩm và đồ uống cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu khả năng phục hồi kinh tế của Nga có bền vững hay không. “Hiện tại, các số liệu chính thức không cho thấy sản lượng tổng thể giảm mạnh; nhưng trong trung và dài hạn, việc Nga tách rời khỏi các nền kinh tế phương Tây sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với mức sống và năng lực công nghệ của nước này. Mối quan hệ với một số nước châu Á có thể hạn chế thiệt hại - nhưng theo quan điểm của tôi, sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn”, Vercueil nói.
"Cuộc xung đột này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu nhà nước mà còn tước đi của Nga những chuyển giao công nghệ mà các công ty phương Tây cung cấp. Điều này thể hiện sự thiếu hụt lớn về đổi mới, một khoản thâm hụt mà Moskva sẽ khó bù đắp trừ khi nước này gia tăng đáng kể sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Philippe Waechter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của công ty dịch vụ tài chính Ostrum Asset Management của Pháp, lưu ý.
Vào tháng 5, Bộ Kinh tế Nga cho biết nền kinh tế nước này dự kiến sẽ suy thoái từ 7,8% đến 8,8% vào năm 2022, trước khi tăng trưởng trở lại vào năm sau thông qua “chuyển đổi cơ cấu” trên toàn bộ nền kinh tế. Đây sẽ là mức giảm GDP hàng năm lớn nhất của Nga trong hai thập kỷ qua.