Giá dầu giảm sút do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, ngày 6/3 không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq và Kuwait sau đó đều tuyên bố tăng sản lượng khai thác và điều này có thể xem như sự khởi đầu cho một cuộc chiến giá dầu. Giá dầu lao dốc khiến cho đồng ruble của Nga mất giá mạnh.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), sự bùng phát dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, với ước tính kinh tế thế giới có thể mất khoảng 2.000 tỷ USD trong năm 2020 do dịch COVID-19. Dịch bệnh đã làm đình trệ hoạt động của các nhà máy, làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các công ty lớn, buộc họ phải ngừng cung cấp sản phẩm (chẳng hạn như các phiên bản thế hệ mới của dòng điện thoại thông minh iPhone của Apple), buộc các nước phải hủy hoặc hạn chế nhiều chuyến bay và cách ly các trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo phân tích của Bloomberg, tình trạng giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ do dịch COVID-19, cũng giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, có thể khiến cho đồng nội tệ của nhiều nước mất giá. Và đồng ruble có thể mất giá tới 30% - xuống 1 USD đổi được 97 ruble. Tính từ ngày 19/2, đồng USD đã tăng giá 18% so với đồng ruble.
Các nhà phân tích cho rằng đồng nội tệ của các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai và thị trường tài chính tương đối kém thanh khoản dễ bị tổn thương nhất trước đồng USD, trong đó có đồng nội tệ của một số quốc gia Mỹ Latinh, Nam Phi, Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Ngày 16/3, đồng ruble của Nga đã mất giá so với USD và có lúc giảm xuống ngưỡng 75 ruble/USD. Hiện tỷ giá của đồng tiền Nga là 74,9 ruble/USD dù đồng USD đang giảm trên thị trường thế giới. Trong khi đó, tỷ giá euro/ruble đã có lúc vượt 84 ruble/euro và hiện được giao dịch ở mức 83,7 ruble/euro.