Tổng thư ký OCED phát biểu tại một sự kiện ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong bối cảnh hoạt động thương mại và đầu tư kém thuận lợi, xuất hiện những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ trả đũa thương mại, cùng với khả năng thay đổi chính sách ở Mỹ dưới thời Tổng thống mới, những dự báo của các tổ chức quốc tế lớn nhìn chung vẫn cho thấy một sự lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2017.
Theo OECD, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,3% năm 2017, cao hơn so với mức dự kiến 3,2% đưa ra hồi tháng 9/2016. Mặc dù kinh tế thế giới vẫn đứng trước những bất ổn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự kiện Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, OECD vẫn quyết định nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn. Theo OECD, các biện pháp kích cầu và chính sách thương mại sẽ góp phần đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp”.
Với nhận định kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách tăng cường chi tiêu công và cắt giảm thuế của ông Trump, OECD cho rằng kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,3% năm 2017, cao hơn mức dự kiến tăng 2,1% trước đó và tăng 3% năm 2018. Đáng chú ý kinh tế Anh dự kiến tăng trưởng 1,2% năm 2017, cao hơn con số ước tính 1% trước đó, và 1% năm 2018.
Tuy vậy, OECD cũng cảnh báo về sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế, có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia và cả thế giới, đẩy các nước lâm vào tình trạng tài chính khó khăn.
Còn trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 16/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,4% năm 2017, tương tự mức ước tính đưa ra hồi tháng 10/2016, so với mức ước tăng 3,1% năm 2016, nhưng vẫn lưu ý về những bất ổn liên quan tới xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng và các chính sách của chính quyền mới ở Mỹ.
Về khả năng thay đổi chính sách ở Mỹ dưới thời Tổng thống mới, chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF, Maurice Obstfeld, nhận định nền kinh tế thế giới cần có sự chuẩn bị trước sự thay đổi đó, đồng thời cảnh báo nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sau những biến động tỷ giá là hệ quả của nó. Ông Obstfeld nêu rõ mặc dù còn quá sớm để dự báo về những thay đổi trong chính sách tài chính của Mỹ, nhưng một điều gần như chắc chắn rằng chính sách này sẽ được mở rộng thông qua một số biện pháp kết hợp như tăng cường chi tiêu và giảm thuế.
Với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp, chính sách kinh tế mở rộng có thể làm gia tăng đáng kể sức ép lạm phát, qua đó đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất ở Mỹ. Theo ông Obstfeld, việc lãi suất tăng với tốc độ nhanh hơn và các hỗ trợ về thuế đối với các công ty Mỹ trong việc đưa lợi nhuận từ nước ngoài về nước có thể làm đồng USD lên giá, gây ra những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nền kinh tế thị trường mới nổi vay mượn nhiều bằng đồng bạc xanh có thể giảm khả năng thanh khoản do đồng nội tệ xuống giá. Chuyên gia IMF cho rằng có nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nếu có biến động lớn về tỷ giá và tình trạng mất cân đối trên toàn cầu gia tăng sau những thay đổi chính sách tài chính ở Mỹ, khi đó các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ chịu tác động lớn trước những rào cản thương mại của các nền kinh tế phát triển.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10/1 công bố báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu", dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay sẽ nhích lên hơn so với năm ngoái, nhờ tình hình ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được cải thiện, với những khó khăn dịu bớt, nhất là khi giá hàng hóa tăng. WB dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2017 đạt 2,7%, so với mức ước tăng 2,3% trong năm 2016.
WB nhận định các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ lần lượt tăng trưởng 4,2% và 4,6% trong năm nay và năm tới, cao hơn so với mức ước tăng 3,4% trong năm ngoái. Các nền kinh tế này được đánh giá sẽ đóng góp 1,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, lần đầu tiên góp khoảng 60% cho tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2013.
Báo cáo của WB nhận định giá hàng hóa sẽ từng bước phục hồi, và kinh tế Nga cũng như Brazil sẽ tăng trưởng trở lại sau khi suy thoái vào năm ngoái. Báo cáo cũng ghi nhận nền kinh tế Nga đã bước vào giai đoạn phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng, nhờ việc điều chỉnh các chính sách quản lý và đứng vững trong giai đoạn giá các nguyên liệu thô và dầu mỏ xuống thấp kỷ lục.
WB lưu ý rằng các chính sách của Mỹ sẽ có những thay đổi dưới Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, qua đó tác động đáng kể đến cả nền kinh tế Mỹ và thế giới. Theo ước tính của WB, việc triển khai toàn diện các đề xuất cắt giảm thuế của chính quyền mới sẽ giúp tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 2,2 - 2,5% trong năm nay và tăng trưởng 2,5-2,9% trong năm tới.
Mặc dù nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu, song WB cũng cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt các điều kiện tài chính, qua đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài chính bên ngoài.
WB cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển đưa ra những chính sách tài chính mang tính hỗ trợ, trong khi các thị trường mới nổi cần phải đảm bảo một sự cân bằng hợp lý giữa việc điều chỉnh tài chính, các biện pháp giảm thiểu tác động và các cải cách thúc đẩy tăng trưởng.