Một số nhà phân tích tin rằng mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khắc chế những rủi ro về nợ, đồng thời thúc đẩy những cải cách. Tuy nhiên, giới chức trách nước này cần phải thận trọng để tránh làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Xuất khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 3,4% trong năm nay và 3,3% vào năm tới, cao hơn so với mức tăng 2,3% năm 2016 nhờ nhu cầu thế giới đi lên. Khối lượng nhập khẩu cũng sẽ tăng 7,7% trong năm 2017 và 6,0% vào năm 2018, giảm so với mức tăng 8,6% năm 2016 do hàng nhập khẩu dùng để chế biến các mặt hàng xuất khẩu sụt giảm.
Cũng trong báo cáo này, ông Alvaro Santos Pereira - Giám đốc bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Vụ Kinh tế của OECD - cho biết rủi ro nội tại lớn nhất của quốc gia châu Á này là sự tăng trưởng tín dụng cả về khối lượng lẫn tốc độ trong hệ thống ngân hàng chính thức và không chính thức.
Bên cạnh đó, nợ doanh nghiệp Trung Quốc hiện tương đương khoảng 175 % GDP nước này, với các doanh nghiệp nhà nước (SOE) “đóng góp” gần 75% số nợ trên. Đây là một trong những mức cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi.
Ngoài ra, bản báo cáo tuy không đề cập trực tiếp mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang tăng lên tại Mỹ, nhưng lưu ý rằng việc một số đối tác thương mại áp dụng chính sách bảo hộ sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể giảm thiểu ảnh hưởng của xu hướng đó bằng cách ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác khác.