Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố từ tháng 3 năm nay nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Sau nhiều lần gia hạn, sắc lệnh dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9.
Trước thời hạn trên, Ủy ban của CCSA cho rằng việc tiếp tục gia hạn sắc lệnh nói trên là cần thiết nhằm đảm bảo sự hợp tác và hoạt động nhanh hơn trong việc chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19 của các cơ quan chính phủ. CCSA lưu ý sự gia tăng của các ca lây nhiễm ở nước láng giềng Myanmar, nơi số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mức trên 500. Dự kiến, quyết định tiếp tục gia hạn sắc lệnh này sẽ được CCSA cân nhắc vào tuần tới trước khi trình lên Nội các để thông qua.
Trong khi đó, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) của Thái Lan đang theo dõi sát sao tình hình COVID-19 tại các thành phố của Myanmar có biên giới với Thái Lan. Cục trưởng DDC Suwannachai Wattanayingcharoenchai ngày 23/9 cho biết tình hình dịch COVID-19 ở Myanmar là một mối quan tâm lớn, vì vậy các doanh nghiệp nên ngừng thuê lao động nước ngoài, đặc biệt là người Myanmar, nhằm giúp ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ hai ở Thái Lan.
Tiến sĩ Suwannachai đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh Myanmar thông báo số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh trong ngày 23/9, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này lên 6.743 trường hợp. Theo ông Suwannachai, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 ngày càng tăng ở Myanmar phù hợp với xu hướng tương tự ở Ấn Độ, nơi có gần 100.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Ngoài ra, tình trạng nhiễm COVID-19 ở các nước láng giềng của Thái Lan là điều đáng lo ngại vì đang gia tăng, đặc biệt là ở Malaysia, nơi số bệnh nhân đã tăng lên 10.358 trường hợp vào ngày 23/9.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 24/9 ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới đều là công dân hồi hương từ Mỹ, nâng tổng số bệnh nhân lên 3.516 trường hợp, trong đó có 59 người tử vong.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Y tế Thái Lan ngày 24/9 thông báo sẽ cung cấp các vật tư y tế để hỗ trợ nước láng giềng Myanmar chống dịch. Theo đó, Thái Lan sẽ gửi bộ kit xét nghiệm RT-PCR và thiết bị bảo hộ cá nhân cho Myanmar.
Trong khi đó, tại Italy, chính quyền vùng Campania, bao gồm thành phố Naples, đã ban hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 24/9 nhằm ngăn chặn số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại. Theo người đứng đầu khu vực Campania Vincenzo De Luca, quy định này sẽ có hiệu lực tới ngày 4/10. Hiện Italy bắt buộc người dân đeo khẩu trang bên trong các cửa hàng và tại các khu vực công cộng đông người qua lại trong khoảng thời gian từ 18h tới 6h sáng hôm sau.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Italy khi nước này ghi nhận thêm 1.640 ca mắc trong 24 giờ qua, trong đó vùng Campania có tới 248 ca, cao nhất trong cả nước. Hiện số ca mắc tại nước này đã lên tới 302.537 ca, trong đó có gần 36.000 ca tử vong. Giới chức y tế châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, khi các ca mắc mới liên tục tăng kể từ tháng 7 vừa qua.