Báo cáo của INPE cho biết từ đầu năm tới nay, Brazil đã mất hơn 2.217 km2 diện tích rừng Amazon, cao gấp 1,5 lần diện tích thành phố Sao Paulo. Tình trạng chặt phá rừng tại khu vực trên đã chững lại trong 3 tháng đầu năm nay, song đột ngột tăng cao từ tháng 4 đến nay. Trước tình hình này, tuần trước, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hiệp ước Hợp tác vùng Amazon (ACTO) đã nhất trí sẽ nỗ lực kêu gọi các nước bảo tồn, khôi phục và quản lý các nguồn tài nguyên tại vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.
Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận với FAO, Tổng Thư ký ACTO Alexandra Moreira Lopez đã đề cập tới các mối đe dọa tác động tới rừng Amazon gồm biến đổi khí hậu, tình trạng phá rừng bừa bãi, việc triển khai các dự án hạ tầng nhất định, nạn buôn bán bất hợp pháp các loài động thực vật. Trong khi đó, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Amazon Watch Leila Salazar-López đã chỉ trích chính sách của Chính phủ Brazil hiện nay làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng về môi trường, ảnh hưởng tới hệ sinh thái vùng Amazon và người dân bản địa.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon có diện tích gần 7 triệu km2, trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname, trong đó phần lớn diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của quốc gia Nam Mỹ này.