Theo Kyodo News, cuộc tranh luận về “quyền được ngắt kết nối”, vạch rõ ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc đang thu hút sự chú ý của dư luận Nhật Bản khi ngày càng nhiều người làm việc tại nhà cảm thấy ông chủ không cho phép họ nghỉ ngơi ngay cả khi không phải giờ làm việc hoặc trong ngày nghỉ.
Trong khi Nhật Bản chưa có luật về “quyền được ngắt kết nối” tương tự như châu Âu, một báo cáo do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội tổng hợp vào cuối năm ngoái kêu gọi các công ty tự đặt ra quy định nhằm đảm bảo giờ làm việc và sức khỏe của nhân viên.
Theo lời kể của một công chức đang ở độ tuổi 30, kể từ khi Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp từ tháng 1 nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan, anh được yêu cầu làm việc ở nhà nửa tuần.
Mặc dù không còn phải ngồi một tiếng đồng hồ trên tàu điện ngầm đông đúc để đến chỗ làm như hàng ngày, song người nhân viên này chia sẻ anh ấy thường xuyên bị làm phiền bởi những câu hỏi từ sếp và các bộ khác khi ở nhà.
Anh thừa nhận thời gian làm việc kéo dài hơn khi làm ở nhà trong mùa dịch. “Trước đây tôi hầu như không nhận được cuộc điện thoại nào, trừ những trường hợp khẩn cấp, sau khi trở về nhà. Nhưng những ngày này, tôi không thể thư giãn vì tôi nhận được cuộc gọi ngay cả trong lúc ăn”, vị công chức bức xúc.
Nhân viên trong lĩnh vực tư nhân cũng than phiền về số cuộc điện thoại gọi từ văn phòng. Một số người cho biết họ còn bị yêu cầu phải luôn giữ liên lạc với công ty qua điện thoại hay máy tính ngay cả sau khi hết giờ làm như bình thường.
“Nói thật, tôi rất mệt mỏi khi nhận quá nhiều cú điện thoại. Những người quản lý đó không tuân thủ quy định về giờ làm của chúng tôi”, một nhân viên làm việc trong công ty sản xuất linh kiện ô tô than thở.
Theo một cuộc khảo sát của văn phòng thành phố Kobe tổng hợp một báo cáo của hội đồng chuyên gia về quyền được ngắt kết nối vào năm ngoái, 14,9% nhân viên thường xuyên bị buộc phải trả lời các cuộc gọi hoặc thư điện tử không khẩn cấp trong giờ nghỉ ít nhất một lần/tuần từ sếp, 13,5% gặp phải vấn đề tương tự từ đồng nghiệp.
Phản ứng trước lời kêu gọi từ người lao động, một số công ty Nhật Bản đã tự đưa ra quy định cấm liên lạc với nhân viên sau khi tan sở, trừ trường hợp khẩn cấp. Ví dụ, công ty tuyển dụng Pasona Group đã lắp đặt một hệ thống tự động tắt máy tính lúc 20h30 mỗi ngày, bao gồm cả máy tính của công ty mà nhân viên làm việc tại nhà sử dụng.
Tại châu Âu, nhu cầu về quyền được ngắt kết nối đã trở thành một chủ đề tranh luận trong thời gian dài trước khi chính phủ các nước ban hành luật.
Kể từ năm 2017, người lao động ở Pháp làm việc trong các công ty có từ 50 nhân viên trở lên phải được cấp “quyền ngắt kết nối” với email về công việc ngoài giờ làm việc, mặc dù luật không quy định hình phạt nếu vi phạm. Một luật tương tự đã được thông qua ở Italy. Tuy nhiên, những luật này hiện còn mơ hồ và sẽ mất thời gian trước khi chúng được thực thi một cách nghiêm chỉnh.