Cuộc thi này là một phần trong khuôn khổ Lễ hội Lạc đà lần thứ sáu của Quốc vương Abdulaziz, vốn trước đây chỉ dành cho phái mạnh. Lễ hội bắt đầu được tổ chức tại sa mạc Rumah, phía Đông Bắc thủ đô Riyadh, từ tháng 12 năm ngoái và kéo dài trong 40 ngày. Đây là một sự kiện thường niên của tộc người Bedouin. Sự kiện thu hút đông đảo những người chăn nuôi lạc đà trên khắp vùng Vịnh tham gia nhằm cạnh tranh các giải thưởng có tổng giá trị lên tới 66 triệu USD.
Trong cuộc diễu hành lần đầu tiên trên sa mạc Rumah, những phụ nữ trong trang phục áo choàng đen đã cưỡi ngựa đi trước những người đàn ông mặc áo choàng trắng với tư cách các nhạc công nam, một số khác mang theo kiếm và nhảy múa theo nhịp trống.
Quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ này vốn thực thi các quy định đạo Hồi nghiêm ngặt đối với phụ nữ, song kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman thâu tóm nhiều quyền lực vào năm 2017 và tiến hành hàng loạt cải cách, một số hạn chế đối với phái đẹp đã được dỡ bỏ. Một trong số các thay đổi phải kể tới việc phụ nữ được lái xe, được đi bầu cử, được phục vụ trong quân đội, có thể chơi thể thao và đi đến sân vận động xem bất kỳ giải đấu nào.
Ông Mohammed al-Harbi, đại diện ban tổ chức Lễ hội Lạc đà của Quốc vương Abdulaziz, nhấn mạnh phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu trong xã hội của nhóm sắc tộc Bedouin (chủ yếu sống trên sa mạc). Họ sở hữu và chăm sóc cho nhiều lạc đà. Việc phái đẹp tham gia vào lễ hội này phù hợp với di sản lịch sử của Saudi Arabia.
Tốp 5 phụ nữ đứng đầu trong danh sách 40 người tham gia sự kiện lần này đã nhận giải thưởng có tổng giá trị 1 triệu riyal (khoảng 260.000 USD). Trong đó, bé gái 7 tuổi Malath bint Enad đã trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi vinh dự cùng "thú cưng" của mình giành giải Ba chung cuộc.
Vẻ đẹp của lạc đà được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó chủ yếu tập trung vào các thuộc tính chính gồm hình dáng, kích thước môi, cổ và bướu của chúng. Trong khuôn khổ Lễ hội lần thứ 6 này, Ban tổ chức đã loại khỏi danh sách tham dự một số một số chủ nuôi do phát hiện có tới 40 con lạc đà đã được tiêm Botox (chất làm đầy) và sử dụng nhiều hình thức can thiệp thẩm mỹ khác để khiến lạc đà của mình trở nên đẹp hơn.
Chăn nuôi lạc đà là ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD và các sự kiện về loài vật này thường xuyên được tổ chức trong khu vực, nhằm mục đích bảo tồn vai trò của lạc đà trong truyền thống Saudi Arabia.