Đến thư viện là một trong những thú vui trong trẻo nhất của tuổi học trò, bởi đây là nơi lũ trẻ có thể tự do đi quanh những giá sách để tìm cuốn mình thích, là chỗ an toàn để gặp gỡ, chuyện trò hay có lúc tranh nhau xếp hàng đợi đến lượt mượn sách mang về đọc. Ở Ethiopia thì không như vậy, sách do lạc đà mang đến và thư viện là bóng mát dưới những tán cây giữa sa mạc bỏng cháy.
Mấy hôm vừa rồi, ngày nào Aisha cũng lang thang kiếm củi đến tận chiều muộn, em tranh thủ lượm số củi đủ để gia đình nấu nướng trong 1 tuần với mong muốn rằng thứ Bảy này bố mẹ sẽ cho đi đọc sách, vì đây là thú vui duy nhất của cô bé 13 tuổi kể từ ngày em phải nghỉ học do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong gần 4 tháng qua. Hơn nữa, đọc sách còn để bố mẹ thấy được quyết tâm theo đuổi con đường học hành của em, nhờ đó sẽ không bị ép lấy chồng sớm như mấy cô bạn cùng trang lứa.
Nhét 2 bắp ngô vào túi vải để ăn trưa, Aisha đi bộ ra cây keo khổng lồ ở đầu làng, nơi đọc sách của lũ trẻ. Trong lúc đợi "thư viện di động" đến, em cùng mấy bạn trai tranh thủ dọn sạch bãi đất để lấy chỗ ngồi. Vừa dọn, bọn trẻ vừa ngóng ra con đường mòn duy nhất dẫn đến làng, hễ thấy bụi bay lên từ phía xa xa thì có nghĩa là lạc đà thồ sách đang đến. Tháng trước, Aisha có dặn bác Abel, người dẫn lạc đà, tìm cho em “Chuyện cổ Andersen’’, cuốn sách mà em chỉ mới được nghe qua lời giới thiệu của cô giáo trên lớp.
Cũng giống như Aisha, 26 triệu trẻ em tại Ethiopia đã không được đến trường kể từ khi đất nước nằm ở khu vực Đông Bắc Phi này áp dụng lệnh phong tỏa nhằm giảm đà lây lan của virus SARS-CoV-2 hồi cuối tháng 3. Phần lớn các em sống ở khu vực nông thôn hẻo lánh, nơi không có điện lưới hay Internet. Ngoài việc không được học hành, đây cũng là giai đoạn các em phải đối mặt với những nguy cơ hiện hữu như trở thành nạn nhân của tình trạng bóc lột sức lao động và tảo hôn.
Tuy nhiên, những em sống ở khu vực Somali của Ethiopia như Aisha có phần may mắn hơn khi được tiếp tục tiếp cận ánh sáng tri thức thông qua việc đọc sách, đặc biệt trong giai đoạn không được đến lớp do dịch COVID-19. Bắt đầu hoạt động từ năm 2010, đoàn lạc đà hơn 20 con do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tài trợ hiện đang hằng ngày thồ sách đến với 22.000 trẻ em tại 33 ngôi làng thuộc khu vực Somali rộng lớn ở miền Đông nước này.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, bà Ekin Ogutogullari, Giám đốc Save the Children tại Ethiopia cho biết mục tiêu của tổ chức là không để trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch lịch sử này, bị bỏ lại phía sau trên mặt trận tri thức. Mặc dù các em không được đến trường do dịch COVID-19, nhưng việc đọc và học thì vẫn cần được duy trì.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Save the Children đối với 30 trẻ em Ethiopia, ngoài lo lắng về những khó khăn kinh tế mà gia đình phải đối mặt do dịch COVID-19, các em còn tỏ ra sợ hãi trước vấn nạn lạm dụng lao động trẻ em cũng như tảo hôn.
Một em gái tại khu vực Somali - khu vực hứng chịu thiên tai triền miên như hạn hán, lũ lụt hay gần nhất là dịch châu chấu hiện vẫn đang hoành hành, kể rằng trong thời gian không đến trường do dịch COVID-19, em thấy rất nhiều trẻ cùng trang lứa đã bị ép buộc làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm như chăn thả gia súc hay vào rừng kiếm củi.
Trong khi đó, Chính phủ Ethiopia vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, ngay cả trước khi cơn lốc COVID-19 tràn đến, khoảng 16 triệu trẻ em nước này từ độ tuổi 5-17 đã bị cưỡng ép lao động ở nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Ngoài ra, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều làng quê, một phần là hậu quả của những hủ tục còn lưu lại từ xa xưa, một phần do những lý do kinh tế. Tại nhiều gia đình, mục đích gả một bé gái vị thành niên đi lấy chồng chỉ để lấy một con la làm của hồi môn.
Theo ông Joan Nyanyuki, Giám đốc Diễn đàn Chính sách cho trẻ em châu Phi (African Child Policy Forum), trường học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức và dạy dỗ trẻ em thành người, mà còn là chốn nương thân của lũ trẻ, cách ly chúng khỏi những cạm bẫy và hiểm nguy ngoài xã hội. Bên cạnh đó, việc không được đến lớp, được ăn những bữa ăn do trường cung cấp, cũng sẽ dẫn đến nguy cơ khiến nhiều em rơi vào tình trạng đói khát và suy dinh dưỡng.
Chính vì vậy, ông Nyanyuki nhấn mạnh rằng nếu thời gian không đến lớp càng kéo dài thêm, đồng nghĩa với việc càng ít học sinh có khả năng quay lại lớp khi trường mở cửa trở lại. Trong khi đó, theo số liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên quy mô toàn cầu, hiện có khoảng 1,6 tỷ học sinh ở nhiều cấp học khác nhau không được đến trường do dịch COVID-19.
Ngồi dưới bóng mát của cây keo cùng khoảng 30 trẻ em trong làng, Aisha nghiến ngấu cuốn "Chuyện cổ Andersen" đến tận chiều mà vẫn chưa xong, em buồn rầu trả lại sách vì thông thường phải đến tháng sau bác Abel và lạc đà mới quay lại. Tuy nhiên, bác Abel bảo rằng theo quy định mới thì em có thể mang sách về nhà đọc. Aisha vui lắm, em tranh thủ mượn thêm "Bác sỹ tí hon", một cuốn sách hướng nghiệp cho lứa tuổi học trò. Ước mơ của em là trở thành bác sỹ chữa bệnh cho mọi người trong làng.
Sau khi cùng các bạn giúp bác Abel thu dọn sách cho vào thùng và chất lên lưng lạc đà, trên đường đi bộ về, Aisha thấy cửa nhà Nyala, cô bạn học cùng lớp, được trang hoàng rất đẹp. Cô bé chợt nhớ rằng ngày mai mình cũng là khách mời đến dự đám cưới của Nyala!.