Phát biểu trên của ông Cảnh Sảng được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, khi được hỏi về các cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G20. Trước đó cùng ngày, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết việc Tổng thống Trump có đưa ra quyết định áp một biểu thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc hay không phụ thuộc vào kết quả của cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Về phần mình, Tổng thống Trump cùng ngày bày tỏ mong muốn có một cuộc hội đàm "hữu ích" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29/6 để thảo luận về cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Phát biểu bên lề hội nghị G20, Tổng thống Trump nói: "Tôi nghĩ (cuộc gặp với ông Tập Cận Bình) sẽ hữu ích. Đó sẽ là một ngày rất lý thú".
Trong khi đó, tại cuộc hội đàm cùng ngày với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Trump tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ông tại hội nghị G20 lần này là đạt được các thỏa thuận thương mại nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Ông Trump cho biết các triển vọng thương mại của Mỹ đang được cải thiện, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có một số điều rất quan trọng để công bố. Một thỏa thuận thương mại rất lớn".
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cảnh báo tình trạng bất đồng thương mại gia tăng sẽ đe dọa sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bên lề hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng những bước đi bảo hộ thương mại của một số quốc gia phát triển sẽ "phá hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu" cũng như "ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước, phủ bóng đen lên hòa bình và sự ổn định trên khắp thế giới". Chung quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh mối quan hệ thương mại mà ông cho là "khó khăn" giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc.