Thượng nghị sĩ trên cho rằng việc rút tiền tài trợ và tư cách thành viên của Mỹ tại WHO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vaccine phòng COVID-19, cũng như các hoạt động của WHO liên quan các dịch bệnh khác có thể xâm nhập nước Mỹ.
Ông Alexander nêu rõ: "Việc rút tư cách thành viên của Mỹ có thể tác động tới các thử nghiệm lâm sàng rất cần thiết cho sự phát triển vaccine mà công dân Mỹ cũng như mọi người trên thế giới cần đến. Việc rút khỏi WHO có thể khiến hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong cuộc chiến chống virus trở nên khó khăn hơn".
Trước đó cùng ngày, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO liên quan phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19. Ông Trump nêu rõ lý do là WHO đã không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ WHO sang sử dụng cho các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 14/4 vừa qua, ông Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của tổ chức này mà ông cho là "thất bại" đối với dịch COVID-19. Gần đây nhất, trong bức thư đề ngày 18/5 gửi Tổng giám đốc WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Động thái của Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế. Chủ tịch Hiệp hội y tế Mỹ Patrice Harris nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Mỹ, việc cắt đứt quan hệ với WHO là không hợp lý và khiến các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này trở nên khó khăn hơn nhiều... Hành động vô nghĩa này sẽ gây ra tác động đáng kể, nguy hại ở thời điểm hiện nay cũng như sau này, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các nghiên cứu thử nghiệm và phát triển vaccine và thuốc điều trị để chống lại đại dịch này".