Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), công ty Tư vấn Quản lý McKinsey & Company chỉ ra rằng nếu như các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đẩy mạnh bình đẳng giới tại nơi làm việc, điều đó sẽ giúp GDP thường niên trong 10 năm tới tăng 12%.
“Đây là một cơ hội lớn giúp tăng trưởng kinh tế mà chúng ta không thể phớt lờ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế các nước đang trên đà suy thoái”, Kweilin Ellingrud – đối tác cấp cao tham gia nghiên cứu về tác động của bất bình đẳng giới đối với kinh tế ở gần 100 quốc gia năm 2015 – cho hay.
Trong một cuộc khảo sát thực hiện vào năm ngoái, McKinsey nhận ra có một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong Điểm Bình đẳng Giới (GPS) tại các khu vực. Trong thang điểm từ 0 đến 1, với mức 1 là chỉ số bình đẳng tuyệt đối, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt 0,58, trong khi Bắc Mỹ và châu Âu đạt 0,76. Philippines đạt điểm cao nhất châu Á ở mức 0,71, Ấn Độ là 0,5 và Singapore là 0,.
Theo cố vấn Ellingrud, tăng trưởng lớn nhất tại khu vực châu Á có thể đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, phụ nữ tại nơi làm việc vẫn chưa được đối xử công bằng như kết quả khảo sát thể hiện. “Tổng điểm GPS của Ấn Độ là 0,5 nhưng bình đẳng trong công việc tại quốc gia này chỉ đạt 0,3”, cố vấn Ellingrud cho hay.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ đạt đến cấp quản lý tại các đơn vị làm việc ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng không cao. Tại Trung Quốc, phụ nữ chiếm 51% lực lượng mới vào nghề, nhưng sau một thời gian đủ lên quản lý cấp trung và các vị trí phó, con số giảm chỉ còn 22%. Lên đến quản lý cấp cao và thành viên hội đồng quản trị, có số lần lượt là 11% và 10%.
“Giải quyết vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc là ưu tiên số một. Đây là lỗ hổng lớn nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ”, chuyên viên Ellingrud kết luận.
Con đường thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ cũng gặp nhiều trở ngại từ những công việc không tên, không được trả lương như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con cái.
“Trên thế giới, phụ nữ làm những công việc không được trả lương nhiều gấp 3 lần đàn ông, và tại Ấn Độ, con số này là 10 lần. Khi trường học buộc phải đóng cửa vì đại dịch, người phụ nữ vất vả hơn khi con cái ở nhà và phải dạy con học”, bà Ellingrud giải thích.