Theo hãng CNN, ngày 7/8, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu của TikTok và WeChat, sau 45 ngày. Sắc lệnh này đánh dấu một dấu hiệu leo thang mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn dĩ đã kéo theo nhiều lệnh trừng phạt và đe dọa trước đó nhằm vào các công ty Trung Quốc, bao gồm TikTok và Huawei.
Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc WeChat gây ra mối đe dọa về an ninh quốc gia vì nhiều dữ liệu người dùng ứng dụng này có thể bị Chính phủ Trung Quốc tiếp cận.
Công ty mẹ của WeChat là Tencent chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến vấn đề trên. Trước đó, Tencent nhấn mạnh phiên bản quốc tế của WeChat tách biệt hoàn toàn với ứng dụng Trung Quốc là Weixin. Website chính thức của Tencent cho hay công ty sử dụng dữ liệu "theo đúng luật và quy định hiện hành”.
Mặc dù lệnh cấm của Tổng thống Trump nhắm mục tiêu đến việc sử dụng ứng dụng, nhưng tác động của nó "có thể vượt ra ngoài nước Mỹ và hạn chế tất cả các cá nhân, thực thể của Mỹ cho dù họ ở bất kỳ nơi đâu", Ker Gibbs - Chủ tịch Văn phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải – bày tỏ lo ngại.
Đây sẽ trở thành một vấn đề lớn cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc – nơi mà ứng dụng WeChat là một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống của hàng trăm triệu người dùng để liên lạc với người thân, bạn bè, thanh toán, đặt các dịch vụ tiện ích…
Không có WeChat sẽ là 'mối đe dọa hiện hữu' đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Ví dụ, những chuỗi cửa hàng như Starbucks, Walmart và Nike có thể không còn được nhận những đơn hàng đặt qua WeChat. Walmart cho biết trong năm ngoái, 30% giao dịch của tập đoạn này ở Trung Quốc thực hiện thông qua ứng dụng "Scan and Go" - một tính năng có trong WeChat.
Trong một cuộc gọi từ xa vào tháng 12/2019, Giám đốc Điều hành của thương hiệu Nike ông Mark Parker cho biết công ty đang tìm kiếm một “bản ghi nhớ” với các đối tác kỹ thuật số, bao gồm Instagram, Google, Tmall và WeChat. Công ty sử dụng những ứng dụng này để “xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng”, Giám đốc Parker nhấn mạnh.
Dẫn lời các nhân vật biết rõ vấn đề này, báo Bloomberg cho biết giới chức Washington đang tìm cách trấn an các công ty Mỹ rằng họ vẫn có thể hoạt động kinh doanh với ứng dụng WeChat ở Trung Quốc. Nguồn tin tiết lộ các quan chức vẫn đang cân nhắc phạm vi của lệnh cấm.
Tuy nhiên, những thông tin này dường như vẫn không làm các công ty Mỹ bớt lo lắng.
“Chúng tôi cảm thấy không an toàn chút nào và chúng tôi cũng không nghe thấy bất kỳ thông tin gì từ chính phủ. Đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, không thể sử dụng nền tảng WeChat có thể trở thành mối đe dọa thực sự”, ông Gibbs cho hay. Tổ chức Văn phòng Thương mại Mỹ tại Thương mại hiện có 3.000 thành viên thuộc 1.500 công ty.
Ông Gibbs nói thêm "hầu hết mọi thứ" ở Trung Quốc đều được mua bán và thanh toán trên các nền tảng kỹ thuật số như WeChat Pay hoặc AliPay. "Nếu bạn không áp dụng các hình thức thanh toán đó, bạn không thể thu được tiền”.
Không chỉ vậy, các công ty tại Mỹ cũng sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu do các đơn đặt hàng từ Trung Quốc thường sử dụng hình thức thanh toán qua các nền tảng trực tuyến.
Paul Triolo, người phụ trách các vấn đề công nghệ địa lý tại Eurasia Group, cho biết lệnh cấm của Tổng thống Trump có thể yêu cầu Apple xóa WeChat khỏi cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc, và điều này sẽ là một đòn giáng nặng đối với ông lớn công nghệ Mỹ. Năm ngoái, Apple đạt doanh thu gần 44 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc.
Bình luận trong một báo cáo đầu tháng, ông Triolo viết: "Lệnh cấm sẽ là một cơn đại hồng thủy cho hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc. Nếu không có Weixin trên iPhone, doanh số bán hàng có thể sẽ giảm mạnh".