Ngày 14/1, trong một cuộc họp kín khẩn cấp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua quyết định chấp nhận chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali.
Phát biểu sau cuộc họp trên, Đại sứ, Đại diện thường trực của Pháp tại LHQ Gérard Araud đã hoan nghênh việc HĐBA LHQ ủng hộ quyết định của Pháp và khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt này của nước ông ở Mali là nhằm bảo vệ người dân sở tại trước các nhóm cực đoan, và nước Pháp làm việc này không chỉ vì an ninh của Mali, mà còn vì sự ổn định của toàn khu vực Tây Phi.
Máy bay quân đội vận chuyển các nhu yếu phẩm của Pháp từ căn cứ quân sự Norton tới thị trấn Bamako ngày 13/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông tuyên bố Pháp sẽ không bao giờ chấp nhận để khu vực miền Nam Mali, nơi có 13 triệu người đang sinh sống, rơi vào tay các phần tử khủng bố, cực đoan.
Trước đó một ngày, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết chính quyền Tổng thống Barack Obama đã có động thái hướng tới việc cho phép hỗ trợ có giới hạn cho chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali như chuẩn bị sẵn sàng các máy bay do thám không người lái cũng như các căn cứ tình báo không quân để có thể triển khai trong những ngày tới.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, tuy không xem xét việc gửi bộ binh và máy bay chiến đấu tới Mali tham gia vào chiến dịch không kích của Pháp, nhưng Mỹ có thể cung cấp các thiết bị nhằm hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Pháp.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Tommy Vietor cho biết: "Chúng tôi ghi nhận rằng Chính phủ Mali đã yêu cầu hỗ trợ và chúng tôi chia sẻ mục tiêu của Pháp ngăn chặn các phần tử khủng bố tìm nơi trú ẩn trong khu vực. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với Pháp và các đối tác quốc tế khác khi tình hình có biến động".
Phản ứng có giới hạn của Mỹ trước đề nghị hỗ trợ quân sự của Pháp phản ánh lo ngại của Nhà Trắng về khả năng bị cuốn vào một cuộc xung đột mới trong khi nước này đang thực thi lộ trình rút ra khỏi cuộc chiến kéo dài 11 năm tại Afghanistan. Trước đó, Nhà Trắng cũng đã từ chối các hoạt động can thiệp quân sự vào Syria.
Trong một diễn biến có liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định nước này coi chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là hợp pháp. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Gatilov nói: "Nói chung, việc Pháp can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Mali nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng một chiến dịch như vậy là rất giới hạn và mang tính tạm thời".
Cũng trong thời gian trên, Thủ tướng Canada Stephen Harper ra tuyến bố nêu rõ mặc dù không đưa quân đội trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự tại Mali, nhưng nước này sẽ có những hỗ trợ về "hậu cần" cho các lực lượng của Pháp, hiện đang tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo ở quốc gia châu Phi này. Theo ông Harper, Canada sẽ gửi máy bay vận tải quân sự hạng nặng thuộc lực lượng quân đội hoàng gia (RCAF C-17) tới châu Phi theo yêu cầu trực tiếp của Pháp.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 14/1 cho biết các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp trong tuần này để bàn về cuộc khủng hoảng tại Mali và kế hoạch huấn luyện binh sĩ Mali chống lại lực lượng Hồi giáo nổi dậy.
Bên cạnh sự hiện diện của lực lượng chiến đấu Pháp tại Mali, lãnh đạo quốc phòng các nước Tây Phi ngày 15/1 đã thông qua kế hoạch đẩy nhanh việc triển khai binh sĩ châu Phi chống lại phiến quân Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc nước này, và một số lượng binh sĩ khu vực sẽ tới đây trong tuần tới.
Cho đến nay, các nước Senegal, Burkina Faso, Niger, Nigeria và Guinea đều đã thỏa thuận cử binh sĩ tới Mali. Phương Tây và các nước láng giềng với Mali đều có chung lo ngại cuộc khủng hoảng Mali nếu không được giải quyết triệt để sẽ biến quốc gia châu Phi này thành một bệ phóng cho phong trào Thánh chiến Hồi giáo.
Ngược lại, đối mặt với các cuộc oanh kích của quân đội Pháp mấy ngày qua, lực lượng phiến quân Hồi giáo đang chiếm giữ miền Bắc Mali tuyên bố sẽ biến Mali thành một Afghanistan tiếp theo.
TTXVN/Tin tức