Phát biểu với báo giới, ông Guterres cho rằng: "Việc tiếp tục (thỏa thuận) là tin tốt cho thế giới. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng thực phẩm và phân bón, bao gồm cả amoniac, xuất khẩu từ LB Nga và Ukraine sẽ có thể tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu một cách an toàn và có thể dự đoán được". Ông cũng nêu bật sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận toàn diện và lâu dài để cải thiện và gia hạn sáng kiến vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu vì các sản phẩm của Ukraine và Nga góp phần "nuôi sống thế giới".
Tổng thư ký LHQ cho biết thêm thỏa thuận ngũ cốc này đã cho phép 1 tàu của Chương trình Lương thực thế giới chở 30.000 tấn lúa mì đến Sudan, quốc gia đang có xung đột và gặp khó khăn về an ninh lương thực.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cũng đã hoan nghênh việc sáng kiến tiếp tục được duy trì.
Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn 2 tháng nhằm hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định đánh giá chung của Nga về tình hình liên quan đến thỏa thuận này vẫn không đổi.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ hồi tháng 7/2022, với vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, đại diện Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của nước này ra thị trường thế giới, trong khi phái đoàn Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Sáng kiến này được gia hạn 120 ngày lần đầu vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày, cho đến ngày 18/5.