Các cuộc tham vấn sẽ bắt đầu vào ngày 26/10 tới bằng hình thức trực tuyến, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán trực tiếp dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 11 tới tại nước láng giềng Tunisia. Cuộc đàm phán có sự tham gia của đại diện các tổ chức xã hội , các bộ lạc, các nhà lãnh đạo chính trị, các thành viên đại diện cho chính phủ đoàn kết được LHQ hậu thuẫn ở Tripoli và lực lượng đối lập ở miền Đông của Tướng Khalifa Haftar.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Tunisia, Kais Saied hôm 12/10, Đặc phái viên của LHQ cho biết các cuộc đàm phán sắp tới nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia ở Libya.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tunisia, Othman Jerandi kêu gọi “cuộc đối thoại giữa những người Libya để đi tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng”.
Tiến trình chính trị Libya bị gián đoạn nhiều lần kể từ khi các bên đạt được thỏa thuận Skhirat (Maroc) vào tháng 12/2015, đặc biệt sau cuộc tấn công quân sự của lực lượng Tướng Haftar nhằm vào Tripoli vào tháng 4/2019. Trước lời kêu gọi của LHQ, hai phe đối địch ở Libya đã quay trở lại bàn đàm phán vào tháng 9 vừa qua với các cuộc họp chuyên đề: thể chế ở Maroc, quân sự ở Ai Cập và chính trị ở Thụy Sĩ.
Theo Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Libya (MANUL), "Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya" là cột mốc cao nhất của nhiều cuộc hòa giải khác nhau do LHQ và các nước trong khu vực dẫn dắt nhằm tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở Libya. Mục tiêu của diễn đàn đối thoại này là ủng hộ “tầm nhìn tiến bộ và đồng thuận” từ các cuộc tham vấn giữa các quốc gia gần đây ở Montreux (Thụy Sĩ), Bouznika (Maroc) và Cairo (Ai Cập). Đối thoại chính trị này đặc biệt nhằm đạt được sự đồng thuận về một khuôn khổ quản trị thống nhất và các thỏa thuận sẽ dẫn đến việc tổ chức các cuộc bầu cử ở Libya. Ngoài ra, MANUL yêu cầu những người tham gia diễn đàn đối thoại phải rút khỏi mọi chức vụ chính trị ngay sau khi một ban điều hành mới được thành lập, đồng thời kêu gọi các nhân vật này gặp gỡ với "sự thiện chí" và kiềm chế mọi hành vi kích động bạo lực.
Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli, được LHQ công nhận và được sự ủng hộ của Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông Libya được lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Hafta hậu thuẫn và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập ủng hộ.