Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã công bố báo cáo khẳng định có bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” về việc sử dụng khí độc sarin trong cuộc tấn công hồi tháng 8 vừa qua ở Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.
Ông Ban Ki-moon (phải) nhận báo cáo điều tra vũ khí hóa học tại Syria từ trưởng nhóm điều tra, chuyên gia Thụy Điển Ake Sellstrom. Ảnh: Newsky |
Bản báo cáo do nhóm chuyên gia điều tra về vũ khí hóa học ở Syria đệ trình được ông Ban Ki-moon công bố trong một cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an, bắt đầu lúc 22 giờ 15 ngày 16/9 (giờ Việt Nam). Dự kiến vào rạng sáng 17/9 (theo giờ VN) ông Ban có cuộc họp báo với giới truyền thông và sau đó sẽ thông báo vắn tắt về báo cáo này trước Đại hội đồng LHQ.
Những thông tin rò rỉ đầu tiên mà hãng tin AP có được về bản báo cáo được chờ đợi suốt mấy tuần qua cho thấy, các thanh sát viên LHQ khẳng định có bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" về việc sử dụng khí độc sarin trong cuộc tấn công hôm 21/8/2013 gần Damascus. “Những mẫu vật về y tế, hóa học và môi trường mà chúng tôi thu thập được đã cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng, những quả rocket đất đối đất mang theo chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng” ở Ghouta - trang đầu tiên của báo cáo cho biết.
Bản báo cáo còn cho biết thêm rằng các loại vũ khí hóa học bị cấm đã được sử dụng với "quy mô tương đối lớn" trong 30 tháng xung đột ở Syria. "Kết luận là vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc xung đột tiếp diễn giữa các phe phái ở Syria... nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em, trên một phạm vi tương đối lớn", báo cáo có đoạn viết. Các nhà điều tra cũng khẳng định, “kết quả này đã để lại cho chúng tôi mối lo ngại sâu sắc nhất”.
Một trang rò rỉ từ bản báo cáo của nhóm điều tra vũ khí hóa học LHQ. Ảnh: Newsky
|
Trước đó, các mẫu mà nhóm điều tra thu thập được ở Syria ngày 2/9 đã được gửi tới phòng thí nghiệm ở Hà Lan để phân tích. Các mẫu này lấy từ Ghouta, ngoại ô Damascus - khu vực được cho là xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8.
Nhóm điều tra được LHQ thành lập từ hồi tháng 3/2013 theo đề nghị của chính phủ Syria với nhiệm vụ tìm hiểu xem vũ khí hóa học có được sử dụng ở Syria hay không, chứ không điều tra xem ai sử dụng. Nhóm này rời Syria ngày 31/8 sau khi kết thúc công việc.
Syria hoan nghênh thỏa thuận Nga - Mỹ
Quốc vụ khanh Hòa giải dân tộc Syria, ông Ali Haidar, coi sáng kiến mà Nga và Mỹ đạt được về vấn đề giải giáp vũ khí hóa học là một “chiến thắng” cho Syria. Phát biểu với hãng tin Ria Novosti của Nga ngày 15/9, ông Ali Haidar nhận định: “Sáng kiến một mặt giúp người Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng, mặt khác đã đẩy lùi cuộc chiến chống Syria”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zohbi cũng cam kết tuân theo thỏa thuận Nga và Mỹ đề xuất khi nó được Liên hợp quốc thông qua. Theo đó, Syria sẽ hợp tác tuyệt đối với các thanh sát viên quốc tế vào nước này theo kế hoạch trên.
Trước đó, sau ba ngày họp liên tục ở Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đạt được thỏa thuận đột phá về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria. Theo thỏa thuận này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ có một tuần để giao nộp các loại vũ khí bị cấm mà nước này sở hữu. Chính quyền Syria phải cho phép thanh sát viên quốc tế đến Syria vào tháng 11/2013. Quá trình phá hủy vũ khí hóa học phải kết thúc vào giữa năm 2014.
Dương Hằng