Ông Jorge Ríos, điều phối viên Chương trình chống tội phạm buôn bán sinh vật hoang dã thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), cho biết chỉ có một số quốc gia Nam Mỹ chuyển dữ liệu một cách có hệ thống cho cơ quan này, như Brazil và Peru. Do đó, rất khó có thể cung cấp bằng chứng thực nghiệm về các loài động thực vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất ở Mỹ Latinh, cũng như các điểm nóng nhất trong khu vực về vấn nạn này.
UNODC sử dụng thông tin về các vụ bắt giữ buôn lậu trên thế giới để xây dựng cơ sở dữ liệu mang tên World WISE, đến nay đã thu thập được dữ liệu của gần 180.000 trường hợp ở 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 1990-2019, các cơ quan chức năng đã thu giữ gần 6.000 loài, bao gồm động vật có vú, bò sát, san hô, chim và cá, đồng thời xác định các nghi phạm với tổng cộng 150 quốc tịch.
Dựa trên những dữ liệu hạn chế thu được về Mỹ Latinh, UNODC nhận định các loài gỗ thuộc chi Cẩm lai (hay chi Trắc, chi Sưa, danh pháp khoa học: Dalbergia) bị buôn bán bất hợp pháp với khối lượng lớn, cũng như xà cừ và san hô, tất cả đều được tính bằng kilogram. Trên thị trường nhu cầu đối với các loại gỗ trắc, gỗ sưa là rất lớn, vì đây là nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp để sản xuất nhạc cụ và đồ nội thất sang trọng.
Trước tình hình hiện nay, ông Jorge Ríos kêu gọi các quốc gia trong khu vực nỗ lực nâng cao năng lực thực thi pháp luật để ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã và tăng cường chia sẻ thông tin về các vụ thu giữ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu thực địa để xác định các loài chủ yếu bị buôn bán bất hợp pháp. Một ví dụ điển hình là loài báo đốm, trong những năm gần đây nạn buôn lậu loài động vật quý hiếm này đã thu hút sự quan tâm đáng kể, nhưng vẫn khó xác định quy mô của hoạt động này do dữ liệu ít ỏi.