Người phát ngôn của TTK LHQ, Stephane Dujarric cho biết TTK Guterres "kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, ngăn chặn mọi leo thang trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng, và luôn tuân thủ luật nhân đạo quốc tế".
Cùng ngày, Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã lên án vụ tấn công trên. Phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh dẫn tuyên bố của Tổng thư ký OIC Yousef al-Othaimeen cho biết các bộ trưởng đã lên án vụ "tấn công khủng bố" này và hoan nghênh các tuyên bố của những tổ chức quốc tế và khu vực lên án hành động nhằm gây bất ổn tại Saudi Arabia. Ngoài ra, các bộ trưởng bày tỏ đoàn kết với Saudi Arabia và ủng hộ “các biện pháp mà nước này thực hiện để đối phó với khủng bố, cũng như giữ gìn an ninh và ổn định”.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh đây là "sự kiện đáng báo động đối với thị trường dầu mỏ", đồng thời khẳng định "bất kỳ sự nhiễu loạn nào như vậy không giúp ổn định thị trường năng lượng".
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ biết ai đứng sau các vụ tấn công trên và đã "sẵn sàng hành động", song Washington vẫn đang đợi xác minh và đợi Saudi Arabia đưa ra đánh giá của mình trước khi quyết định các bước đi tiếp theo.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Nguồn cung dầu của Saudi Arabia đã bị tấn công. Có lý do để tin rằng chúng tôi biết thủ phạm và sẵn sàng hành động dựa vào việc xác minh, song vẫn đợi để lắng nghe từ Saudi Arabia về phía mà họ cho rằng đã gây ra vụ tấn công, và với những điều kiện này, chúng tôi sẽ hành động".
Cũng trên Twitter, ông Trump cho biết thông tin nói rằng ông sẵn sàng gặp giới chức Iran vô điều kiện là không chính xác. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm cho Iran, dù lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen, nơi liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đang sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm qua, đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công này.
Tuyên bố của ông Trump cũng mâu thuẫn với những phát ngôn gần đây của nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền Washington. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước đó từng nói Tổng thống Trump sẵn sàng gặp người đồng cấp phía Iran Hassan Rouhani "vô điều kiện" trong khi vẫn duy trì "sức ép tối đa" với Tehran.
Trong phản ứng của mình cùng ngày, Bộ Ngoại giao Tunisia và Sudan cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ đoàn kết với Saudi Arabia trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh, kinh tế và người dân. Bộ Ngoại giao Sudan kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động nỗ lực lớn nhất để đối đầu với các vụ tấn công liên tiếp giờ đã trở thành mối đe dọa đối với khu vực, cũng như hòa bình và an ninh quốc tế.
Ngày 14/9, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Vụ tấn công đã làm giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, khiến Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung. Phần Lan cũng đang cân nhắc sử dụng kho dự trữ dầu khẩn cấp để giảm tác động của sự việc trên.
Truyền thông nước này ngày 15/9 cho biết Phần Lan sẽ sử dụng kho trên tùy theo khuyến cáo hay quyết định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Biện pháp này đã từng được sử dụng trong 30 ngày hồi năm 2005 khi bão Catrina phá hủy các cơ sở sản xuất dầu của Phần Lan tại Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định vụ tấn công có thể gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu. Saudi Arabia đang chạy đua với thời gian để sửa chữa và hoạt động lại các nhà máy dầu bị tấn công.