Trong phát biểu của mình, ông Adib kêu gọi sớm thành lập chính phủ mới và thực hiện các cải cách nhằm đạt được một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin nhà ngoại giao Adib đã giành được sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ cho vị trí Thủ tướng. Cụ thể, ông Adib đã giành được ít nhất 66 phiếu bầu trong các cuộc tham vấn chính thức của các nghị sĩ, cao hơn mức 50 phiếu cần thiết trong tổng số 120 nghị sĩ tại Quốc hội. Quốc hội Liban có 128 nghị sĩ, song 8 nghị sĩ đã từ chức sau thảm hỏa cháy nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8 vừa qua.
Ông Adib là Đại sứ Liban tại Đức kể từ năm 2013. Nhà ngoại giao 48 tuổi này sinh ra tại phía Bắc thành phố Tripoli và là người Hồi giáo dòng Sunni, giúp ông đủ tư cách đảm nhiệm cương vị thủ tướng theo hệ thống chia sẻ quyền lực của Liban. Từ năm 2000 tới năm 2004, ông là cố vấn của cựu Thủ tướng Najib Mikati. Sau đó, năm 2011, ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng nội các.
Theo hiệp định Taef năm 1989, kết thúc cuộc nội chiến 1997-1990, mô hình nhà nước hiện tại của Liban dựa trên việc phân chia quyền lực giữa các sắc tộc khác nhau. Tổng thống là tín đồ Công giáo Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch Quốc hội dành cho tín đồ Chính thống giáo. Trong cơ quan lập pháp Liban có 18 sắc tộc tôn giáo chính thức được thừa nhận và 128 ghế nghị sĩ được chia đều giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.
Chính phủ của Liban do Thủ tướng Hassan Diab đứng đầu đã từ chức sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến khoảng 190 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương hôm 4/8. Thảm họa này xảy ra khi Liban đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.