Mỹ tài trợ khoảng 28% ngân sách cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ trước khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 9 vừa qua tuyên bố Washington sẽ chỉ tài trợ tối đa 25% cho quỹ này. 3% thiếu hụt còn lại tương đương khoảng 220 triệu USD. Ngân sách hoạt động của LHQ trong giai đoạn 2018-2019 hiện khoảng 5,4 tỷ USD trong đó Mỹ đóng góp khoảng 1/5. Riêng ngân sách dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng ở mức hơn 6,6 tỷ USD, giảm khoảng 600 triệu USD so với năm trước do sức ép từ phía Mỹ.
Việc chia sẻ trách nhiệm tài chính cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ được tính toán dựa trên các yếu tố như năng lực tài chính của mỗi quốc gia, vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và một số yếu tố khác. Hiện Trung Quốc, với nền kinh tế ngày càng phát triển thì mức đóng góp cũng tăng mạnh lên khoảng 15% trong khi các thành viên khác của HĐBA LHQ như Nga chỉ phải đóng góp khoảng 5%.
Hãng tin AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết nhiều khả năng khoản thiếu hụt trong ngân sách của LHQ sẽ tiếp tục tăng sau khi các bên đạt đồng thuận trong cuộc họp tối 21/12 rằng sẽ không thay đổi một số vấn đề ngân sách trọng điểm trong vòng 3 năm tới. Một nguồn tin cũng cho biết Washington trong tuần qua đã tiếp cận một số quốc gia thành viên LHQ như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore và Brunei, để thuyết phục những quốc gia này tham gia đóng góp bù vào khoản thiếu hụt mà Mỹ để lại nhưng dường như không thành công. Hiện phái đoàn của Mỹ tại LHQ chưa có phản hồi gì về vấn đề này.
Các nguồn tin ngoại giao cũng cho hay nhóm 77 + Trung Quốc (trên thực tế là 134 quốc gia) cũng đã tìm cách thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm đóng góp với vai trò là quan sát viên tại LHQ. Nhưng EU cũng đã từ chối với lý do các quốc gia EU cũng đã đóng góp 32% ngân sách hoạt động của LHQ và 30% cho các chi phí gìn giữ hòa bình.