Một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem cho biết khoản cắt giảm mới này nằm trong khoản viện trợ 10 triệu USD dành cho các chương trình hòa giải liên quan đến người Palestine cũng như người Do Thái và người Israel nói tiếng Arab.
Theo nguồn tin trên, một phần của khoản cắt giảm trên liên quan tới người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza được chuyển cho các chương trình giữa người Do Thái và người Israel nói tiếng Arab. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mức cắt giảm lần này là bao nhiêu cũng như khoản cắt giảm mới nhất này có đồng nghĩa với việc tất cả viện trợ không liên quan đến an ninh cho người Palestine đã bị hủy bỏ hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ trì hoãn các khoản viện trợ cho Palestine cho đến khi Chính quyền Palestine (PA) chấp nhận bàn đàm phán trong bối cảnh Nhà Trắng chuẩn bị một kế hoạch hòa bình cho Trung Đông mà ông Trump tuyên bố là một "thỏa thuận cuối cùng".
Trước đó, Mỹ đã ngừng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nhân đạo cho người tị nạn Palestine, trong đó có hỗ trợ về y tế và giáo dục, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Chính phủ Mỹ cũng đã chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Palestine. Giới chuyên gia cảnh báo những động thái này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Hiện Palestine chưa có đại sứ quán tại Mỹ, mà chỉ có một phái bộ ngoại giao, đặt tại thủ đô Washington. Quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Chính quyền Palestine đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Trump thông báo quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Palestine đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa. Từ ngày 13/9, phái bộ ngoại giao Palestine ở Washington cũng đã ngừng hoạt động.